ThienNhien.Net – Từ nay đến năm 2010, Thừa Thiên – Huế đã quy hoạch phát triển thủy sản trên phá Tam Giang, ổn định diện tích nuôi trồng vào khoảng từ 3.500 ha đến 4.000 ha (chủ yếu là nuôi tôm). Tỉnh thực hiện nhiều biện pháp về đầu tư hạ tầng, sản xuất con giống, phòng chống dịch bệnh để hạn chế rủi ro cho người nuôi tôm. Các huyện Phong Điền, Phú Vang đã đầu tư 8,7 tỉ đồng cho các dự án thuỷ sản, đặc biệt là phát triển các khu vực nuôi tôm trên cát.
Thừa Thiên – Huế đã vận động người dân thay vì nuôi tôm 2 vụ như trước đây, chuyển sang nuôi tôm một vụ chính trong năm để có điều kiện cải tạo ao hồ nuôi, chủ động công tác phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi. Một số địa phương hướng dẫn bà con tiến hành nuôi xen ghép tôm và các đối tượng nuôi mới như cá dìa, cá mú, cá hồng, các loài nhuyễn thể, và rong câu trên cùng một đơn vị diện tích để tăng hiệu quả sản xuất và cải thiện môi trường.
Tỉnh xây dựng 15 trại sản xuất tôm giống, với mức sản xuất 130 triệu con/năm cung cấp cho nhu cầu nuôi thả. Tuy nhiên, với mức sản xuất tôm giống như hiện nay chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu nuôi thả. Lượng tôm giống mua từ ngoài về rất lớn nên công tác kiểm dịch phải thật chặt chẽ trước khi thả xuống ao nuôi.
Tỉnh cũng thành lập 27 chi hội nghề cá thu hút 1.600 hội viên. Các chi hội vừa giúp nhau trong công tác hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống vừa tự quản tại chỗ để đảm bảo kiểm soát không cho người nuôi thả tôm giống chưa qua kiểm dịch xuống ao nuôi. Khi phát hiện mầm bệnh tôm trong các ao nuôi xuất hiện, các tổ tự quản tập trung khống chế, xử lý không cho thải nước ra ao nuôi chung để tránh lây lan.
Hiện tại, Thừa Thiên – Huế đã thu hoạch hơn 90% diện tích để tránh lũ đầu vụ, sản lượng đạt gần 3.000 tấn, trong đó có 2.300 tấn tôm. Theo tính toán bước đầu trong 2.039 hộ nuôi tôm ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, với diện tích thả nuôi 2.460 ha, thì có hơn 82,8% số hộ nuôi có lãi, do biết kết hợp các mô hình nuôi tôm xen ghép để làm sạch môi trường…