ThienNhien.Net – Khai thác cát vốn được coi là một ngành kinh doanh có nhiều tiềm năng xuất khẩu của Campuchia. Thế nhưng gần đây, với những ảnh hưởng trông thấy của việc nạo vét cát trên sông Mekong, Chính phủ Campuchia đã ra lệnh rà soát lại và cấm hàng chục công ty khai thác cát bất hợp pháp.
Theo thống kê của Campuchia, hàng trăm nghìn tấn cát đã được hút lên từ các bãi ngầm trên sông Mekong để xuất khẩu sang Singapore, một thị trường đang có nhu cầu cát rất lớn để thực hiện các kế hoạch xây dựng và mở rộng diện tích.
Trong số các công ty khai thác, nhiều công ty sử dụng các giấy phép giả mạo để hoạt động bất hợp pháp, một số thậm chí lợi dụng danh nghĩa của các quan chức chính phủ cao cấp.
Điều này đã gây bức xúc trong cộng đồng dân cư sống dọc theo hai bờ sông Mekong vì từ khi xuất hiện hoạt động khai thác, tình trạng sạt lở đất xảy ra ngày càng nghiêm trọng, đe doạ tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân.
Chính vì vậy mới đây, Bộ Tài nguyên Nước Campuchia đã ra lệnh mở một cuộc điều tra toàn diện nhằm rà soát lại hoạt động của các công ty khai thác cát và cấm hàng chục công ty hoạt động bất hợp pháp.
Hiện nay, Indonesia và Phillipin đã thực hiện lệnh cấm khai thác cát từ lòng sông vì mục đích thương mại do những ảnh hưởng nghiêm trọng của việc làm này đối với lòng sông và bờ sông. Camphuchia là một trong số ít quốc gia vẫn cho phép hút cát trên sông Mekong – con sông đáng ra phải được bảo vệ nghiêm ngặt.
Ý kiến của các công ty
Pov Chantha, giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài nguyên Cát cho biết trong nửa đầu năm 2008, công ty của ông đã xuất khẩu tổng cộng 200.000 m2 cát sang Singapore. Ông biện hộ ràng những năm 60, độ sâu của sông Mekong là 20 mét, thế nhưng hiện nay độ sâu của nó chỉ còn 8 mét. Nghĩa là lòng sông Mekong đang bị bồi lấp. Chính phủ đã phải chi ra khoảng 100 triệu USD từ ngân sách quốc gia để hút bùn từ lòng sông. Thế nhưng, Chính phủ lại đặt ra một mức thuế quá cao cho các công ty khai thác trong khi chính hoạt động của các công ty này đang giúp cho dòng sông đó không bị bồi cạn.
Pov Chantha phát biểu: “Tôi không nghĩ việc sạt lở bờ sông Mekong là do hoạt động của các công ty khai thác mà đó là do lưu lượng nước quá lớn trong mùa mưa”.
Còn đối với người dân
Dang Chamroeun, đại diện cho người dân ở xã Chruoy Changvar cho biết mỗi ngày có khoảng vài trăm chiếc thuyền hút cát từ dòng sông, đặc biệt là ở khu vực dọc theo quốc lộ 6A. Người dân địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các bộ ngành có liên quan nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một hành động cụ thể nào được thực hiện.
Đã có một ngôi nhà ở làng Deum Koe đã bị phá huỷ do xói lở bờ sông và còn nhiều căn nhà khác đang có nguy cơ đổ sập xuống bất kỳ lúc nào. Những người dân địa phương đang rất lo sợ cho tính mạng cũng như tài sản của họ nếu như hoạt động khai thác cát của các công ty vẫn tiếp diễn.
Ý kiến của các chuyên gia môi trường
Theo Bunra Seng, giám đốc khu vực của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI) cho biết: “Việc nạo vét cát qua nhiều ở lòng sông sẽ ảnh hưởng rất lớn đến độ ổn định của bờ sông và các khu rừng ở gần đó. Trong khi đó, theo như tôi được biết thì nhiều công ty đang thực hiện hoạt động khai thác ở những nơi vô cùng nhạy cảm. Điều đó là rất nguy hiểm”.