ThienNhien.Net – Tại lễ kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống ngành thuỷ lợi (28/08/1945 – 28/08/2008) và công bố Quyết định số: 1135/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 28/08 hàng năm là ngày truyền thống ngành thuỷ lợi Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Xuân Học cho biết, việc đảm bảo cho người dân ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và miền núi sống ổn định, an toàn trong điều kiện nước biển dâng là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành thuỷ lợi đến năm 2020.
Song song với đó, ngành nâng cao năng lực quản lý khai thác, chống ô nhiễm cạn kiệt nguồn nước, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu nước cho các ngành kinh tế, cho sinh hoạt và phát triển nông nghiệp; thực hiện hiệu quả việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai nhằm góp phần phát triển bền vững và đảm bảo an ninh quốc phòng trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Trước mắt, Thứ trưởng Đào Xuân Học yêu cầu ngành thuỷ lợi tập trung mọi tiềm lực khai thác tổng hợp các nguồn tài nguyên đất, nước trong các hệ thống thuỷ nông nhằm tạo bước ngoạt lớn trong công tác quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi; tăng cường giải quyết tiêu thoát nước cho các đô thị bị ảnh hưởng thuỷ triều, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Cùng với đó, ngành cần đánh giá chính xác lại năng lực tưới tiêu của từng công trình để điều tiết nước và khai thác triệt để của các công trình thuỷ lợi cho phù hợp với yêu cầu mới trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; lập quy trình điều hành liên hồ ở các lưu vực sông để chống lũ và chống hạn cho hạ du, đặc biệt quan tâm đến an toàn công trình đập, hồ chứa và củng cố các đê kè trọng điểm.
Hiện tại, ngành thuỷ lợi Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều thách thức trước nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, sinh hoạt đang tăng nhanh trong khi tài nguyên nước ở Việt Nam có hạn và đang bị suy thoái nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng.
Các hệ thống thuỷ nông đã và đang xuống cấp nghiêm trọng khiến cho việc tiêu nước không đảm bảo, vẫn còn hơn 1,3 triệu ha đất lúa ở ven biển đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên, miền núi và một số vùng ở đồng bằng Bắc Bộ chưa có công trình tưới tiêu chủ động.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nếu mực nước biển dâng lên 1m thì Việt Nam có thể mất 50% diện tích canh tác lúa 2 vụ; 17 – 22 triệu người sẽ phải di dời nơi ở, đồng thời nếu không có những giải pháp công trình thuỷ lợi phù hợp thì nhiều diện tích canh tác ở đồng bằng sông Hồng cũng không thể tự tiêu./.