ThienNhien.Net – Cuộc hội thảo của Liên Hợp Quốc về vấn đề giảm thiểu lượng phát thải khí cacbon do nạn phá rừng tại các nước đang phát triển vừa diễn ra tại Accra (Gana) từ 21-27/08/2008 . Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường đã mạnh mẽ chỉ trích rằng hội thảo lần này đã quá chú trọng vào vấn đề tài chính, thay vì phải tìm ra nguyên nhân cơ bản gây ra nạn phá rừng.
Rừng hiện nay được coi là nhân tố cơ bản trong những nỗ lực ngăn chặn đứng hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. 18% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính phát thải ra môi trường là do những thay đổi trong việc sử dụng đất và hoạt động khai thác rừng của con người.
Bản thân các khu rừng cũng đang chịu những tác động tiêu cực từ hiện tượng biến đổi khí hậu và có thể sẽ bị mất đi khả năng điều hòa khí hậu toàn cầu. Các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 20C, các khu rừng nhiệt đới sẽ chuyển từ vai trò là một bể chứa hấp thụ cacbon sang nguồn phát thải cacbon chính.
“Những người bạn của Trái Đất” (FOE) – một tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường – khuyến cáo rằng việc đưa yếu tố “rừng” vào các vấn đề liên quan tới phát thải cacbon chẳng qua là một cách để các nước phát triển tránh né trách nhiệm cắt giảm lượng phát thải của mình. Họ cũng chỉ trích các cuộc đàm phán đã quá tập trung vào vấn đề tài chính, trong khi mục tiêu chính là tìm ra nguyên nhân sâu xa gây ra hiện tượng phá rừng, như việc phát triển nhiên liệu sinh học, buôn bán ĐVHD và gỗ lại bị coi nhẹ.
Thực tế, giá trị của rừng tăng lên đồng nghĩa với việc người ta sẽ lạm dụng quyền sử dụng đất mà không để tâm tới quyền lợi của những nhóm dân cư bản địa hay những cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, những người hàng ngày vẫn ra sức bảo vệ rừng nhưng lại không có quyền sử dụng đất một cách chính thức.
Rất nhiều trong số những nhóm này bị đẩy ra khỏi lãnh thổ của mình một cách thô bạo, thậm chí là bằng vũ lực.Trong những cuộc hội đàm của Liên Hợp Quốc về vấn đề này,các cộng đồng dân cư nói trên lại thường không có được tiếng nói của mình.
FOE bày tỏ quan điểm phản đối việc phát triển các cơ chế trao đổi cacbon có liên quan đến rừng vì cho rằng “sự bù đắp” đó khuyến khích việc giữ nguyên lượng phát thải gây ô nhiễm tại các nước công nghiệp hóa và lái sự chú ý của cộng đồng sang những giải pháp không thực sự hiệu quả để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu.
Theo Kate Horner, chuyên gia nghiên cứu khí hậu quốc tế, đồng thời là thành viên của FOE:” Bất cứ một hiệp định nào về rừng phải đưa ra được nguyên nhân căn bản của hiện tượng phá rừng, bao gồm cả việc giảm lượng tiêu thụ các sản phẩm từ gỗ, thịt, xuất khẩu nhiên liệu sinh học và mở rộng sản xuất nông nghiệp. Các nước phát triển phải giảm triệt để việc tiêu thụ không bền vững thay, vì đưa ra các khoản “đền bù” nhằm né tránh trách nhiệm.”
Nhóm các nhà hoạt động môi trường đã yêu cầu chính phủ các nước phát triển đóng vai trò tiên phong trong việc giảm thiểu triệt để lượng phát thải cacbon tại các nước này và thực hiện nghĩa vụ chuyển giao tài chính cho các nước đang phát triển, hỗ trợ tài chính và công nghệ cho những quốc gia đang phát triển vừa mới chuyển đổi sang một nền kinh tế thân thiện với môi trường