ThienNhien.Net – TS. Vũ Văn Triệu, Trưởng Đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Việt Nam nhận định: “Do sự gia tăng dân số, cộng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội những năm qua thiếu tính bền vững, nên nguồn lợi thủy sản của những vùng đất ngập nước ở Việt Nam nghèo kiệt nhanh chóng. Đặc biệt, nạn ô nhiễm môi trường gia tăng đang đe dọa nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học nơi đây”.
Việt Nam có khoảng 10 triệu ha đất ngập nước, trong đó bao gồm 4,2 triệu ha trồng lúa, 2 triệu ha nước mặt nuôi trồng thủy sản, 1 triệu ha đất ngập nước ngọt; hơn 3.260 km bờ biển, 15.000 km đới ven bờ, hơn 2.000 con sông suối và 4.000 hồ.
Đất ngập nước của Việt Nam rất đa dạng về kiểu loại, loại hình cảnh quan và sinh thái, phong phú về tài nguyên đa dạng sinh học, có nhiều chức năng, giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa…quan trọng. Các vùng đất ngập nước này đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước, mang lại nhiều sản phẩm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân.
Hiện 1/5 dân số nước ta đang sống ở vùng đất ngập nước và phụ thuộc trực tiếp vào việc khai thác, sử dụng các sản phẩm của đất ngập nước. Song các vùng đất ngập nước này đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hoạt động của phát triển kinh tế gây ra như: Ao, hồ bị lấp đi để lấy đất trồng trọt hoặc xây dựng; tài nguyên nước ngầm, hệ động vật, thực vật bị khai thác quá mức không thể tự hồi phục; tôm, cá bị đánh bắt bằng những phương thức mang tính hủy diệt bằng thuốc nổ, chất độc, xung điện làm chết toàn bộ các loài động vật trên diện tích rộng lớn; việc xây đê đắp đập, nắn dòng các con sông làm thay đổi đặc tính thủy văn của chúng. Nhất là một lượng lớn chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và thuốc trừ sâu, phân bón hóa học đổ ra các thủy vực đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng một số vùng đất ngập nước.
GS.TS Lê Văn Khoa, Trường Đại học quốc gia Hà Nội cho biết: “Việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta ngày một gia tăng, chỉ tính riêng lượng thuốc bảo vệ thực vật lên tới 30.000 tấn/năm. Hậu quả làm đất bị “chai cứng” và có đến 50% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật phát tán bằng nhiều con đường khác nhau, và đều tập kết tại những vùng đất ngập nước, gây ô nhiễm môi trường tác động tiêu cực đến sự đa dạng sinh học nơi đây”.
Qua khảo sát tại một số điểm trong 68 vùng đất ngập nước mang tầm quan trọng quốc gia, có khoảng 10% các loài cá có nguy cơ biến mất, trong đó nguy cấp nhất là các loài cá nước ngọt, sản lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên tại những vùng này giảm tới mức báo động.
Để bảo vệ, cải thiện môi trường phục vụ phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, Việt Nam cần nhân rộng các mô hình bảo tồn gắn với xóa đói giảm nghèo cho đồng bào địa phương như ở tỉnh Quảng Ninh; Cồn Lu, Cồn Ngạn thuộc huyện Giao Thủy (Nam Định)…
Tiến hành điều tra, thống kế, đánh giá tài nguyên để khoanh vùng và quy hoạch lại các vùng đất ngập nước. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung và bảo tồn, phát triển bền vững các vùng đất ngập nước nói riêng, nhất là sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ quốc tế vào lĩnh vực này./.