ThienNhien.Net – Theo dự báo của Liên Hiệp quốc, dân số thế giới sẽ đạt khoảng 9 tỷ người vào cuối thế kỷ này. Và tất nhiên, các khu rừng còn lại của thế giới sẽ phải chịu một sức ép rất lớn trước nhu cầu về lương thực, nhiên liệu và gỗ để nuôi sống lượng dân số khổng lồ này.
Báo cáo từ Liên Minh Sáng kiến về Quyền lợi và Nguồn tài nguyên (RRI) nhận định dân số tăng lên sẽ làm gia tăng tình trạng chặt phá rừng, hệ quả là góp phần đẩy nhanh sự biến đổi của khí hậu toàn cầu do các bể lọc cacbon bị tàn phá và phát thải khí nhà kính. Không những thế, bùng nổ dân số còn là nguyên nhân gây ra các cuộc xung đột giữa những người dân bản xứ sống trong rừng với các thế lực từ bên ngoài.
Bà Andy White , đồng tác giả của bản báo cáo có tựa đề “Seeing People Through the Trees” (tạm dịch “Trông cây thấy người”), đã nói: “Chúng ta đang sắp sửa thanh toán nốt những mảnh đất hoang cuối cùng của thế giới. Nếu không có những hành động kịp thời, thì những người dân bản địa cùng với rừng của họ sẽ là những người phải gánh chịu hậu quả lớn nhất. Rừng bị chặt phá, xung đột xảy ra nhiều, phát thải cacbon tăng. Và như vậy có nghĩa là nguy cơ biến đổi khí hậu đe dọa cuộc sống của người dân gia tăng.”
Cũng theo bản báo cáo, nếu năng suất sản xuất nông nghiệp không tăng, thì đến năm 2030 chúng ta sẽ phải mở rộng một diện tích nông nghiệp tương đương với diện tích lớn gấp 12 lần nước Đức hiện nay mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực và nhiên liệu sinh học. Và tất thảy diện tích mở rộng đó không gì khác, chính là những cánh rừng hiện có của các nước đang phát triển.
Bài báo thứ hai của RRI có tên “From Exclusion to Ownership”(tạm dịch là “Từ Sự Tống khứ đến Quyền Sở hữu ”), cho biết mặc dù các chính phủ vẫn một mực khẳng định rằng các nước đang phát triển vẫn là chủ sở hữu của hầu hết diện tích rừng trên thế giới, nhưng thực tế thì các chính phủ hầu như không có hành động cụ thể nào để đảm bảo một cách chắc chắn quyền và thời gian sở hữu đất rừng của những người dân bản địa.
Những người dân bản địa sống trong rừng – những người mà sinh kế của họ phụ thuộc hoàn toàn vào khu rừng chính là những chiến sĩ bảo vệ rừng tốt nhất
Tuy nhiên, theo những báo cáo gần đây của RRI cho biết các chính phủ ở các nước đang phát triển hầu như không thể ngăn chặn được những sự xâm nhập của các thế lực bên ngoài và bảo vệ quyền lợi cho những người dân bản địa. Tình trạng chặt phá rừng theo lối công nghiệp để lấy đất trồng lương thực và nhiên liệu sinh học đã trở nên phổ biến. Chỉ tính riêng ở Brazil, với tốc độ mở rộng diện tích đất trồng đầu nành và mía đường như hiện nay thì đến năm 2020 sẽ có khoảng 28 triệu ha diện tích đất rừng bị chặt phá, trong đó phần lớn là diện tích của rừng Amazon..
Bình luận về những bài báo này, Luật sư về quyền công dân Ghanian, ông Kyeretwie Opoku nhận xét chúng ta cần phải đảm bảo tính công bằng và sự tham gia của những người dân trong việc đưa ra những quyết định liên quan đến những hoạt động công nghiệp và bảo tồn”.