ThienNhien.Net – Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà nằm trong vùng sinh thái Trường Sơn và nhận được sự ưu tiên bảo tồn cao nhất ở Việt Nam, thuộc địa bàn hai huyện Lạc Dương và Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Đà Lạt 50km. Hiện nay, vườn quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức làm tổn hại tính đa dạng sinh học đặc hữu của vườn quốc gia này, đó là việc lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng cà phê và tập quán săn bắt thú rừng của người dân bản địa.
Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà có tổng diện tích gần 73.000ha, nằm trên độ cao 1.400m, gồm 2 kiểu rừng thường xanh và rừng cây lá kim. Nơi đây, vừa với chức năng chính là bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn giá trị kinh tế cơ bản là bảo vệ rừng đầu nguồn, vùng đầu nguồn đập chứa nước của thủy điện Đa Nhim.
Được thành lập từ năm 2004, Bidoup Núi Bà là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật hoang dã quý hiếm, trong đó có các loài như vượn má hung, bò tót, nhiều loài chim đặc hữu, những loài cây họ thông quý còn sót lại.
Nằm giữa Vùng Chim đặc hữu của Cao nguyên Đà Lạt, bảy trong số tám loài chim có vùng phân bố hẹp hiện đang sống trong khu vực này, đó là Trĩ sao (Rheinardia ocellata), Trèo cây mỏ vàng (Sitta solangiae), Khướu đầu đen (Garrulax milleti), Khướu đầu xám (G. vassali), Khướu đầu đen má xám (G. yersini), Khướu mỏ dài (Jabouilleia danjoui) và Sẻ thông họng vàng (Carduelis monguilloti).
Thiên nhiên hoang dã nơi đây thật hùng vĩ và ấn tượng bởi hàng trăm đỉnh núi cao vút vây quanh, bởi những cánh rừng đại ngàn bao bọc dễ làm lạc lối những bước chân ai. Ở độ cao này phóng tầm mắt thưởng ngoạn nét đẹp thiên nhiên hoang dã ta mới nhận được sự nhỏ bé và mỏng manh của con người khi đứng trước sự diệu ký của thiên nhiên.
Nằm ở độ cao gần 2000m, đỉnh Hòn Giao quanh năm mây mù bao phủ. Độ ẩm ở đây rất thích hợp cho những loài thực vật đặc hữu của Việt Nam phát triển, đặc biệt những loài lan quí hiếm mọc khắp trên những thân cây cổ thụ, àm cho thiên nhiên nơi đây càng trở nên thơ mộng. Nhưng hiện nay, hiện tượng thu hái phong lan đem bán ở thành phố Đà Lạt đang ngày càng diễn ra phổ biến làm suy giảm rất lớn phong lan nơi đây. Những giò phong Lan quý hiếm vẫn ngày ngày được “dạo khắp mọi nẻo đường”
Mặt khác, hiện tượng du canh du cư, đốt than và kết hợp với cháy rừng đã và đang làm mất đi 1 diện tích không lớn rừng, làm ảnh hưởng tới chức năng kinh tế và làm hủy hoại đa dạng sinh học của rừng.
Hơn nữa, việc lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng cà phê và tập quán săn bắt thú rừng của người dân bản địa cũng tạo ra những thách thức trong công tác bảo tồn ở khu vườn này.
Vào ngày 30/10/2007 vừa qua, con đường 732 dài 138km nối thành phố biển Nha Trang với Đà Lạt, khi hoàn tất sẽ rút ngắn gần 80km do với lộ trình đi qua quốc lộ 27. Đường đi qua những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, vượt qua nhiều vách đá cheo leo với suối, đèo và những thác nước trùng điệp…, xuyên qua “rừng lùn” trên đỉnh Hòn Giao quanh năm sương mù đặc quánh như muốn núi chân khách bọ hành”. Đây là 1 mối đe dọa rất lớn đối với Vườn, không chỉ làm suy giảm diện tích rừng nơi đây mà thêm vào đó, giao thông thuận tiện là điều kiện rất thuận lợi cho lâm tặc hoành hành.
Tuy nhiên, với nỗ lực quyết tâm bảo vệ vẻ đẹp hùng vĩ ở vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà của toàn thể cán bộ, nhân viên và kiểm lâm, thì mọi thách thức rồi cũng sẽ được đẩy lùi.
Mới dây, Dự án bảo vệ rừng và động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà có tổng kinh phí hơn 179.000 bảng Anh, tương đương hơn 5 tỷ đồng, đã được khởi động ngày 15/01/2008, tại Đà Lạt.
Dự án do Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF)-Chương trình Việt Nam, Viện Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng và Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà phối hợp thực hiện nhằm xây dựng một khung toàn diện về giao đất, quản lý tài nguyên thiên nhiên cho người dân bản địa sống ở vùng đệm vườn quốc gia này.
Đại diện WWF cho biết, dự án nhằm tăng cường trách nhiệm của người dân, từng bước giảm áp lực đối với công tác bảo vệ rừng và động vật hoang dã tại đây. Dự án sẽ kéo dài hết năm 2010.