ThienNhien.Net- Mới đây, trên một tạp chí chuyên đề Sinh thái và Môi trường, các nhà khoa học đã cảnh báo về một mối hiểm họa tiềm ẩn đối với đa dạng sinh học toàn cầu, có thể dẫn đến việc hủy diệt vùng nhiệt đới. Đồng thời, họ cũng cho rằng cần xem xét lại hiệu quả của việc bảo vệ các khu vực đa dạng trên thế giới hiện nay.
Qua tìm hiểu về sự thoái hóa xảy ra liên tiếp ở các hệ sinh thái trong những năm gần đây, với những am hiểu về đa dạng vùng nhiệt đới, Corey Bradshaw – một giáo sư ngành khoa học Trái đất và Môi trường cùng các cộng sự của ông ở trường ĐH Adelaide (Úc) đã cho rằng: “Chúng ta đang sa lầy vào giữa thảm kịch đa dạng sinh học vùng nhiệt đới và thảm họa ẩn. Điều đó dẫn đến việc đưa ra các quyết định bảo tồn thiên nhiên chưa mang lại hiệu quả cao”.
Bradshaw và các cộng sự của ông cho rằng mặc dù hơn 60% tính đa dạng sinh học tập trung ở các vùng nhiệt đới nhưng những khu vực này đang phải đối mặt với sự công kích dữ dội từ các mối hiểm họa bao gồm sự gia tăng dân số, sự quản lý kém, vấn nạn tham nhũng, các thảm hoạ môi trường…, gây ra những thiệt hại khôn lường. Sự suy thoái của các hệ sinh thái này không chỉ đặt sự đa dạng sinh học vào tình trạng nguy hiểm mà còn đe doạ đến cuộc sống con người.
Ông Bradshaw nói: “Đó không chỉ là bi kịch mà còn là một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng dân cư. Bởi nó không chỉ làm mất đi các thảm thực vật tầng thấp, nằm dưới tán các cây gỗ lớn trong rừng mưa nhiệt đới, mà còn là sự thay đổi hoàn toàn hệ thống sinh thái”.
Phần lớn dân số thế giới sống ở khu vực có khí hậu nhiệt đới. Do đó, sự mất đi các thảm thực vật trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lương thực, độ tinh khiết của nguồn nước, làn tăng nguy cơ lũ lụt, mất đi khả năng cô lập cacbon, và thảm kịch biến đổi khí hậu sẽ diễn ra.
Nhằm tránh những hiểm họa trên, theo ông Bradshaw, cần tận dụng các giá trị sinh thái cũng như giá trị của môi trường vùng nhiệt đới một cách đúng mức sẽ là bước quan trọng để bảo vệ chúng cho lợi ích của thế hệ tương lai. Ví dụ như thiết lập một thị trường cacbon.
Để thực hiện được điều đó, các nước phát triển cần đầu tư nhiều hơn cho việc bảo vệ môi trường sống cùng nhiệt đới, đồng thời giúp đỡ các nước nghèp hơn. Đồng thời, mỗi quốc gia trên thế giới cũng cần cải tiến hiệu quả việc quản lý các nguồn tài nguyên.
Ông Bradshaw đã kết luận rằng: “Việc cải tiến dài lâu vĩ đại nhất chỉ có thể được tạo ra từ việc quản lý đa dạng sinh thái vùng nhiệt đới và quản lý tốt sẽ chỉ đến từ chính sách song phương mạnh mẽ. Chúng ta cần có áp lực từ phía quốc tế để đảm bảo duy trì các phương thức bảo tồn thích hợp cho từng khu vực nhiệt đới”.