ThienNhien.Net – Chưa kể hàng trăm ha rừng phòng hộ đầu nguồn thuỷ lợi Thạch Nham đã bị phá để trồng cây nguyên liệu, cây sắn phục vụ công nghiệp chế biến diễn ra trong những năm trước đây, rừng phòng hộ ở Quảng Ngãi đang tiếp tục bị tàn phá với danh nghĩa để… “trồng rừng“. Tiếp sau vụ phá hàng chục ha rừng phòng hộ khu vực hồ chứa nước Diên Trường thuộc địa bàn xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ giải quyết chưa xong thì gần đây hơn 33 ha rừng phòng hộ ở các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành và 5,4 ha ở huyện Trà Bồng tiếp tục bị tàn phá.
Từ việc phá rừng phòng hộ để trồng rừng…
Từ đầu tháng 08/2008 đến nay, tại khu rừng phòng hộ xung yếu ở khoảnh 5 và 6 thuộc tiểu khu rừng 313, nơi giáp ranh 3 xã Đức Phú, huyện Mộ Đức, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành và xã Phổ Phong, huyện Ba Tơ đã bị hàng trăm người dân đến triệt hạ không thương tiếc.
Theo số liệu thống kê ban đầu, ông Trần Thơm, Chủ tịch UBND xã Đức Phú, huyện Mộ Đức cho biết: “Toàn bộ diện tích rừng bị chặt hạ tại khoảnh 5 và 6, tiểu khu rừng 313 này khoảng hơn 33 ha, trong đó riêng diện tích rừng thuộc thôn Phước Lộc, xã Đức Phú bị chặt hơn 30 ha, huyện Nghĩa Hành khoảng 3 ha”.
Ông Thơm cho biết thêm, với danh nghĩa phá rừng để “trồng lại rừng” nên những người tham gia phá tổ chức chặt hạ không thương tiếc từ cây lớn đến cây nhỏ, cây lớn thì đường kính từ 0,7- 0,8 mét, mà hầu hết các khu rừng này các loại cây đường kính lơn hơn 0,3 mét trở lên, chặt hạ xong để vài ngày khô lá họ đốt cháy sạch không lấy củi, gỗ.
Còn ông Lê Văn Cư, cán bộ UBND xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành thì cho biết: “Đầu tháng 8, UBND xã đi kiểm tra phát hiện họ dựng lều trại để phá rừng, chúng tôi đốt trại và buộc đình chỉ việc phá rừng trái phép đầu nguồn hồ Suối Chí, chúng tôi xác định được 5 đối tượng tham gia phá rừng đó là: Bà Phạm Thị Sáu, ông Phạm Hiền, ông Trần Trọng Tài (thôn Trường Lệ) và Ngô Lợi, Trần Văn Chiến (thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông). Nhưng sau vài ngày họ lại lên dựng trại và thuê nhân công tiếp tục chặt phá rừng, nhất là chặt phá vào thời gian cuối buổi chiều và ban đêm, có đêm lên gần trăm người nên họ mới phá nhanh đến thế“.
Liên tiếp từ ngày 5- 07/08 UBND xã Hành Tín Đông phối hợp với UBND xã Đức Phú cùng kiểm lâm địa bàn hai huyện Nghĩa Hành và Mộ Đức lên tận hiện trường kiểm tra, yêu cầu các đối tượng dừng ngay việc phá rừng trái phép, mời đến UBND xã Hành Tín Đông lập biên bản, nhưng chỉ có hai người là bà Sáu và ông Hiền chấp nhận ký vào biên bản, còn 3 đối tượng còn lại không những không ký vào biên bản mà còn cho rằng đây là rừng xã Đức Phú, xã Hành Tín Đông không có quyền lập biên bản.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Nhung, Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa hành khẳng định rằng việc lập biên bản đối với các đối tượng phá rừng phòng hộ của UBND xã là hoàn toàn đúng đắn. Việc bảo vệ rừng là nhiệm vụ của toàn dân. Ai phá rừng trái phép cũng phải lập biên bản để xử lý và người vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Nhung bức xúc: “Việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn Suối Chí sẽ làm cạn kiệt nguồn nước tưới cho hơn 400 ha lúa, hoa màu của xã Hành Tín Đông, nếu hồ chứa nước Suối Chí cạn kiệt nước thì công trình đập thuỷ lợi Suối Chí sẽ không phát huy hiệu quả, hàng trăm hộ dân trong xã sẽ rất khó khăn về sản xuất, đời sống. Dân ở đây bây giờ trông chờ vào công trình thuỷ lợi này lắm”.
Tại xã Trà Thuỷ, huyện Trà Bồng tranh thủ khi có đường giao thông do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thiên Tân làm để xây dựng nhà máy thuỷ điện, người dân lại vào rừng phá rừng để làm nương rẫy và trồng rừng. Hạt kiểm lâm huyện cho biết, hai tháng gần đây đã phát hiện 56 hộ dân chặt phá trái phép 5,46 ha rừng phòng hộ đầu nguồn công trình thuỷ điện Hà Hang để làm nương rẫy, trong đó chủ yếu để trồng rừng. Tổ công tác kiểm tra thực tế tại khoảnh 6, tiểu khu 35, đã phát hiện 37 lóng gỗ trong diện tích rừng bị chặt phá trái phép; thu gom 40,6 m3 gỗ…
…. Đến xử lý không nghiêm
Bà Nguyễn Thị Nhâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho biết: “Ngay từ khi mới phát hiện, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện phối hợp với các phòng ban chức năng cùng với xã Đức Phú thành lập tổ truy quét các đối tượng phá rừng tại tiểu khu 313. Hiện nay, huyện Mộ Đức đang phối hợp với UBND huyện Nghĩa Hành đo đạc lại diện tích rừng bị tàn phá, xác định các đối tượng vi phạm, sẽ xử lý đúng người, đúng tội, không bao che cho các đối tượng phá rừng.
Nói về vụ phá rừng để trồng rừng ở Đức Phú, Mộ Đức, ông Nguyễn Văn Hân, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Ngãi cho rằng, tiểu khu rừng 313 này do Ban quản lý dự án nông lâm nghiệp huyện trực tiếp quản lý, chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, với loại rừng 2A, theo qui định của pháp luật đối tượng chỉ cần phá gần một ha thì phải bị truy tố trước pháp luật.
Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo các ngành chức năng của tỉnh và huyện Trà Bồng về việc phá rừng phòng hộ thời gian qua, ông Phạm Đình Khối, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu: các ngành chức năng của tỉnh và lãnh đạo các huyện phải có trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng; chính quyền địa phương phải thường xuyên vận động nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng đầu nguồn tại các công trình thủy lợi, thuỷ điện, hồ chứa; kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm chặt phá rừng phòng hộ để trồng rừng và làm nương rẫy.
Rõ ràng việc phá rừng phòng hộ để trồng rừng là việc làm tắc trách, cần phê phán và xử lý thật nghiêm, vì mỗi vụ phá hàng chục ha là chuyện không nhỏ. Các đối tượng muốn phá rừng với quy mô lớn phải huy động lực lượng lao động hàng chục người nhưng vì sao ngay từ đầu chính quyền địa phương cơ sở không hay biết? Hoặc biết rồi vẫn cứ làm ngơ đến khi các cơ quan bao chí lên tiếng mới vào cuộc kiểm tra truy quét, tìm đối tượng, đo đạc diện tích rừng bị chặt phá, lúc này những cánh rừng đã ra tro.
Điều đáng nói hơn là tuy đã phát hiện và xác định các đối tượng chặt phá rừng với diện tích lớn như vậy nhưng lâu nay tỉnh Quảng Ngãi chưa đưa ra xét xử vụ nào. Chính vì thế các đối tượng vi phạm xem nhẹ việc xử phạt của cơ quan pháp luật. Mặt khác, các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện đối với các ngành chức năng về việc xử lý các đối tượng vi phạm nhưng các ngành chức năng các cấp ở Quảng Ngãi dường như vẫn bị “để ngoài tai“ Vì vậy, việc chặt phá rừng phòng hộ để trồng rừng và làm nương rẫy vẫn cứ tiếp diễn ở Quảng Ngãi là chuyện không có gì lạ cả!./.