ThienNhien.Net – Ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển song cũng gặp không ít khó khăn do hạn chế về cơ sở hạ tầng và công nghệ. Trong số các doanh nghiệp trong ngành, Huyndai Vinashin (Khánh Hoà) nổi lên như cánh chim đầu đàn và đã trở thành nhà máy sửa chữa đóng tàu lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Song, những tai tiếng về Huyndai Vinashin không ít. Trong nhiều năm qua, Liên doanh này đã liên tục vấp phải sự phản đối của người dân sở tại liên quan đến vấn đề xử lý phế thải không không hợp lý gây ô nhiếm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Niềm tự hào của ngành công nghiệp đóng tàu
Tính đến nay, Việt Nam có trên 60 nhà máy sửa chữa và đóng tàu. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải sở hữu số lượng lớn nhất, chiếm trên 70% công suất của ngành, còn lại trực thuộc các Bộ Quốc phòng và Thủy sản. Phần lớn sản phẩm của ngành đóng tàu trong nước là các tàu hàng và tàu đánh bắt hải sản xa bờ, trọng tải vừa và nhỏ.
Huyndai Vinashin là một liên doanh giữa Tập đoàn Huyndai của Hàn Quốc và Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) thành lập năm 1999, hoạt động trên diện tích 100 ha mặt đất và 130 ha mặt biển.
Kể từ khi thành lập, Huyndai Vinashin đã sửa chữa thành công gần 900 tàu, trong đó gồm 20 dự án hoàn cải. Đầu năm 2008, Huyndai Vinashin đầu tư trên 90 triệu USD xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động đóng mới tàu biển. Ngày 01/08/2008 vừa qua , Huyndai Vinashin đã tổ chức lễ khởi công đóng mới chiếc tàu đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của công ty trong việc chuyển đổi cơ cấu hoạt động sản xuất từ chủ yếu sửa chữa sang đóng mới tàu biển.
Cần khách quan thừa nhận rằng Huyndai Vinashin đã góp phần quan trọng nâng tầm ngành công nghiệp đóng tàu của Việt
…Nhưng không ít tai tiếng
Thời gian gần đây, Huyndai Vinashin xuất hiện nhiều trên các mặt báo, các phương tiện truyền thông, nhưng không phải để tuyên dương, khen ngợi mà chịu sự chỉ trích nặng nề. Những luồng ý kiến và dư luận nhiều chiều, song đều xoay quanh việc phản ứng với cách hành xử của công ty này đối với môi trường và người dân địa phương.
Được đầu tư lớn, trang thiết bị máy móc công nghệ hiện đại cùng những kỹ thuật khoa học tiên tiến nhưng dường như Huyndai Vinashin chưa dành sự quan tâm đúng mức cho vấn đề môi trường, gây mối quan ngại cho các nhà khoa học, lãnh đạo địa phương cũng như đông đảo người dân.
Hạt nix (xỉ đồng)
Là chất thải của ngành luyện kim. Đó là loại vật liệu dạng hạt có chứa các thành phần sắt, đá vôi và silic ôxít có góc cạnh và cứng, đồng thời hoàn toàn trơ, không phản ứng hóa học với nước mưa, nước biển và không khí. Hạt nix có nhiều tính năng ưu việt hơn so với một số vật liệu sử dụng trong công nghiệp như cát, bột thạch anh, xỉ niken, ôxit nhôm, ôxit crôm…:độ cứng cao, chứa ít SiO2 tự do (dưới 1%), sử dụng được nhiều lần…
Nhưng hạt nix đã qua sử dụng chứa khoảng 32,92% Si02, 3,80% Ca, 1,09% Mg, một tỉ lệ khá cao các chất tan trong dung môi hữu cơ CCl4 (dầu và vụn sơn…) và các chất bị oxy hóa bởi hỗn hợp sunfo-chromic (chất hữu cơ). Ngoài ra, hạt nix đã qua sử dụng còn chứa các kim loại nặng, trong đó có tỉ lệ lớn nhất là Fe (hơn 30%), Cu, Zn và Pb. Hỗn hợp này trở thành một loại chất thải độc hại ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Nếu không được xử lý triệt để, hỗn hợp thải này sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu tiềm ẩn cho môi trường và các thế hệ sau này. |
Theo như dự kiến ban đầu khi thành lập Huyndai Vinashin, người ta sẽ dùng cát để làm sạch vỏ tàu. Nhưng ngay sau khi đi vào hoạt động, cát đã được thay thế bằng những hạt nix (xỉ đồng) để rửa tàu. Trung bình một năm Huyndai Vinashin sử dụng khoảng 90.000 – 100.000 tấn xỉ đồng trong sản xuất đã phát sinh gây nhiều hậu quả cho môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, đất…đặc biệt là ô nhiễm kim loại nặng. Không một ai dám khẳng định rằng nguồn chất thải đó không ảnh hưởng đến sức khoẻ của cộng đồng lân cận.
Điều đáng nói là việc sử dụng hạt nix (xỉ đồng) của Huyndai Vinashin đã tiếp diễn trong một thời gian dài mà hông có các báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2003, Huyndai Vinashin đã sử dụng hàng chục nghìn tấn xỉ đồng. Những năm cao điểm 2004, 2005, 2006 lượng xỉ đồng mà công ty sử dụng là trên 100.000 tấn mỗi năm.
Năm 2002, Bộ Khoa học – Công nghệ yêu cầu Huyndai Vinashin lập ĐTM về việc sử dụng hạt nix nhưng đến tận tháng 09/2006, Huyndai Vinashin vẫn chưa có được bản ĐTM được phê duyệt.
Dần dà, lượng hạt nix đã được Huyndai Vinashin sử dụng lên đến hơn 700.000 tấn – trở thành núi rác độc hại khổng lồ. “Núi” rác ấy hiện ảnh hưởng đến sức khoẻ của khoảng 700 hộ dân tại hai thôn Mỹ Giang và Ninh Yến, thuộc xã Ninh Phước, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà.
Nhiều cuộc khảo sát, kiểm tra, họp báo đã diễn ra, nhiều biện pháp được giải trình nhưng rút cuộc vẫn chỉ là những lời xin lỗi từ phía lãnh đạo của Huyndai Vinashin kèm những lời hứa sẽ giải quyết vấn đề.
Người dân mong ngóng từng ngày những quyết định từ các cấp thẩm quyền cao và các bộ ngành liên quan nhưng rốt cục, người ta chưa thể tìm ra một biện pháp xử lý triệt để. Cao nhất cũng chỉ là xử phạt hành chính vài chục triệu. Việc Huyndai Vinashin được phép kéo dài thời gian xử lý đống thải hạt nix độc hại đến năm 2010 cũng đang đồng nghĩa với việc người dân lại tiếp tục hoang mang với nỗi sợ hãi sống trong bụi nix.
“Cơn bão” bụi nix chưa hết làm người ta bàng hoàng và vẫn đang gây ra nhiều dư luận trong xã hội thì Huyndai Vinashin lại tiếp tục dính dáng tới những vi phạm nghiêm trọng. Ngày 08/07/2008, Cảnh sát Môi trường Công anh tỉnh Khánh Hoà đã phát hiện và ngăn chặn 4 xe tải loại 15 tấn chở 60 tấn chất thải nguy hại của Huyndai Vinashin, được vận chuyển để chôn lén vào khu đất sát đình làng và trường mẫu giáo của thôn Phú Thọ 3, xã Ninh Diêm, huyện Ninh Hoà.
Lượng chất thải đó nằm trong số 200 tấn chất thải (bao gồm bùn, rỉ sắt, tạp chất…) từ Dóc tàu mà Tổng công ty Hàng hải Việt Nam mua của Ukraina hồi tháng 06/2007. Và các biện pháp xử lý vẫn chỉ nằm ở việc “trả lại chất thải” cùng với phạt hành chính 10 triệu đồng!
Có thể nhận thấy, những vấn đề phát sinh của Huyndai Vinashin không phải đơn thuần là khó khăn tài chính hay công nghệ mà xuất phát từ một thái độ tôn trọng sức khỏe cộng đồng và môi trường. Hệ quả của nó là công ty đã trở nên “nhờn” trước liều thuốc không đủ mạnh của các nhà quản lý và luật pháp.
Tỉnh Khánh Hoà đã 2 lần “gây sốc” cả nước với hai chủ trương mang tính chất đánh đổi giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Năm 2007, Khánh Hoà có chủ trương xin rút vịnh Nha Trang ra khỏi danh sách danh thắng quốc gia do sự phát triển kinh tế bị “cản đường” bởi Luật Di sản văn hoá.
Tiếp đó, đầu năm 2008, Khánh Hoà lại đặt vấn đề san lấp gần 400 ha mặt nước biển thuộc Vịnh Vân Phong – nơi có hệ thống cồn cát tự nhiên bảo vệ bờ biển từ hàng nghìn năm nay và được đánh giá là tiềm năng cho phát triển du lịch, để cho phép tập đoàn POSCO xây dựng khu luyện cán thép.
Dư luận đã từng xôn xao trước những ý tưởng liều lĩnh và bất chấp đó của tỉnh Khánh Hoà. Thế mới biết vì đâu Huyndai Vinashin (thuộc địa bàn tỉnh Khánh Hòa) cũng dám “liều”.
Nhận xét về những vi phạm của Huyndai Vinashin gần đây, có ý kiến còn e dè cho rằng cũng có thể liên doanh này không lách luật mà chẳng qua họ họ được tạo điều kiện, hay ít nhất được chấp nhận bằng cách làm lơ, để giao tiếp, cư xử theo 1 khung chuẩn mực riêng, thông thoáng, ưu đãi. Trong trường hợp vi phạm pháp luật, họ chỉ chịu các biện pháp xử lý chiếu lệ.
Song không ít ý kiến cho rằng sai phạm của Huyndai Vinashin đã trở thành sự lộng hành, qua mặt nhà chức trách do doanh nghiệp luôn được xử lý một cách nhân nhượng trong những lần vi phạm trước đó. Không có chế tài vật chất cụ thể và được hưởng nhiều lần gia hạn cho việc khắc phục hậu quả thiệt hại gây ra.
Với vai trò tiên phong trong ngành, nếu Huyndai Vinashin không gương mẫu và nếu việc xử phạt những sai phạm thực tế của doanh nghiệp này không kiên quyết, sẽ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Nó sẽ trở thành tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp khác và gây ấn tượng không tốt về hình ảnh đất nước ta trong suy nghĩ của cộng đồng quốc tế.