ThienNhien.Net – Sự khan hiếm lương thực chưa từng thấy đang bắt đầu tạo ra những quy luật cho một trật tự chính trị mới, mà ở đó mỗi nước đang thay đổi để bảo vệ nguồn cung lương thực của chính họ mà không lo lắng đến thế giới bên ngoài
Đầu tháng 6 vừa qua tại Bắc Kinh, Lester Brown người sáng lập Viện Chính sách Địa cầu đã phát biểu: “Chúng ta đang ở vào giai đoạn khủng hoảng lương thực gay gắt nhất trong lịch sử thế giới. Nhiều quốc gia sản xuất ngũ cốc đã áp đặt giới hạn xuất khẩu là điềm báo của “một chương hoàn toàn mới trong cuốn sách an ninh lương thực”. Điều đáng lo lắng ở đây là các nước có tiềm lực sẽ bảo vệ nguồn cung lương thực của mình mà không cần quan tâm đến các nước nghèo – các nước thu nhập thấp và điều này có thể làm cho rất nhiều nước tuyệt vọng”.
Liên Hiệp Quốc cho rằng, giá các loại lương thực cơ bản tăng cao có thể ảnh hưởng tới khoảng 100 triệu người nghèo nhất thế giới. Ở châu Á, giá gạo đã tăng gấp ba lần chỉ trong năm qua, khiến rất nhiều chính phủ e ngại người nghèo không đủ khả năng mua lương thực cho mình. Từ châu Phi đến châu Á, nhiều nước đang phải thuê hay cho nước ngoài thuê đất nhằm tăng mùa vụ và nuôi sống người dân. Trung Quốc nước đông dân nhất thế giới, đã đi đầu trong việc ký hợp đồng thuê đất ở Tanzania, Lào, Kazakhstan, Braxin và các nước khác. Libya và Ai Cập cũng đang quan tâm đến việc thương lượng để thuê đất ở Ukraine… Để bảo vệ người tiêu dùng trong nước, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, và Trung Quốc cũng đã thực hiện tất cả các biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu.
Khi cuộc khủng hoảng lương thực gần đây xuất hiện, các chính trị gia khắp thế giới đang hướng về Trung Quốc, quốc gia với hơn 1,3 tỷ dân, với sự quan ngại, lo lắng rằng, bất cứ thay đổi trong chính sách tự cung tự cấp dài hạn của quốc gia này có thể gây ảnh hưởng khủng khiếp đến thị trường ngũ cốc thế giới.
Theo thống kê, Trung Quốc đã sản xuất hơn 501,5 triệu tấn ngũ cốc vào năm 2007, gần đạt mức tiêu dùng hàng năm của quốc gia là 510 triệu tấn. Các quan chức Trung Quốc hứa hẹn sẽ giữ cho sản lượng ngũ cốc ổn định trên 500 triệu tấn để đối phó với mức giá lương thực leo thang trên toàn thế giới. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, mức sản lượng ngũ cốc ổn định ở Trung Quốc cũng hầu như không có tác dụng hạ nhiệt sự leo thang của giá cả toàn cầu khi mà quốc gia này cũng là một nhà nhập khẩu về lương thực. Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 31 triệu tấn ngũ cốc, nhiều hơn lượng xuất khẩu 22 triệu tấn. Lượng nhập khẩu chủ yếu là đậu nành.
“Trung Quốc chỉ cần nhập khẩu 10% tiêu dùng lương thực đã có thể gây ảnh hưởng lớn đến thị trường lương thực thế giới” ông Brown nói.
Ảnh hưởng của việc cắt giảm xuất khẩu ở châu Á đã tạo nên sự rối loạn ở châu Phi và Haiti, những nơi phụ thuộc vào việc nhập khẩu lương thực giá rẻ. Ủy Ban Nông nghiệp của Mỹ dự báo với giá cao và hạn chế xuất khẩu sẽ giảm khối lượng gạo giao thương quốc tế 9% trong năm 2008. Điều này càng đẩy giá cả lên cao hơn.
Tại hội nghị lương thực diễn ra ở Rome trong tháng 6 vừa qua, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc ông Ban Ki-moon cũng đã nhấn mạnh, các quốc gia khắp thế giới phải xóa bỏ hàng loạt những chính sách hạn chế xuất khẩu và thuế quan nhập khẩu nhằm giúp hàng triệu người nghèo đối mặt với giá lương thực cao nhất trong vòng 30 năm qua.