ThienNhien.Net – Nhiều năm nay, gần 200 hộ dân ở thôn Hoàng Oanh (xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) sống ở khu vực đầu nguồn bãi rác rộng trên 5 ha (của thành phố Vĩnh Yên) đang phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ngày cũng như đêm, các ngôi nhà đều "cửa đóng then cài" để ngăn bớt mùi xú uế và lũ ruồi, nhặng từ bãi rác bay vào.
Có mặt tại bãi rác, mặc dù đã phải “huy động” tối đa những gì mang theo như: khảu trang, khăn mùi xoa, áo chống nắng…, nhưng mùi xú uế của bãi rác vẫn xộc thẳng vào khứu giác với hàng đàn ruồi, nhặng bay xung quanh. Trong khi đó, trên bãi rác vẫn có mấy người đang lật tung đống rác lên cố tìm, kiếm những thứ có thể bán lấy tiền và nói chuyện bình thường với nhau. Theo cách lý giải của người dân địa phương thì họ “Ngửi mãi quen rồi”.
Qua quan sát thấy, sau một trận mưa, toàn bộ nước trên bãi rác đen ngòm chảy qua mấy thanh bê tông được kết thành môt tấm rộng khoảng hai mét và cao hơn một mét để chắn rác chảy xuống bể . Tuy nhiên, cả mấy cái bể lọc đều đã quá tải nên toàn bộ nước thải đen ngòm chảy tự do ra các cống, rãnh đổ về đồng ruộng, ao, hồ của người dân.
Được biết, bãi rác này là của thành phố Vĩnh Yên, được hình thành từ đầu năm 1997, nằm trên địa phận phường Khai Quang, giáp gianh với xã Hương Sơn (huyện Bình Xuyên). Đây là khu đất được quy hoạch để thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, nhưng thực tế có cả rác thải công nghiệp. Rác không chỉ được thu gom trên địa bàn thành phố mà còn được thu gom từ cả thị xã Phúc Yên, huyện Mê Linh, huyện Bình Xuyên. Nghiêm trọng hơn, rác thải công nghiệp từ các nhà máy giày da Phúc Yên, Đông Anh đều tập trung đổ về đây ngày càng nhiều. Trên thực tế, đã hơn chục năm nay, nơi đây mới chỉ nhận thu gom chứ chưa hề xử lý.
Anh Phạm Bá Minh, trưởng thôn Hoàng Oanh cho biết: “Trong khi chờ giải pháp của các cấp các ngành hữu quan, thôn chúng tôi cũng đã có một vài biện pháp tạm thời để giải quyết tình trạng bức xúc trên như: Kiên quyết không cho xe chở rác thải công nghiệp và rác từ các huyện khác đi qua địa phận thôn để vào bãi rác; thành lập thêm tổ nhóm làm công tác thu gom rác thải tại những địa điểm tập trung đông dân; thường xuyên vận động nhân dân trong thôn tự giác tiêu hủy rác thải sinh hoạt tại nhà, khơi thông cống rãnh, tăng cường các biện pháp phòng dịch, tự bảo vệ sức khỏe…, song đây cũng chỉ là những biện pháp tạm thời mang tính đối phó. Nếu để tình trạng này kéo dài thì vấn đề sức khỏe của người dân và tình hình an ninh trật tự trong thôn sẽ bất ổn”.
Trưởng trạm y tế xã, ông Chu Mạnh Hà không khỏi lo lắng bởi số người bị mắc bệnh tiêu hoá ở thôn Hoàng Oanh lúc nào cũng cao hơn các thôn khác. Nếu tình trạng ô nhiễm ở bãi rác không được khắc phục thì nguy cơ bị bệnh tiêu chảy cấp rất lớn không chỉ ở thôn Hoàng Oanh mà còn ở các thôn xung quanh. Vì nước ở bãi rác đều đổ xuống hồ chứa nước đầu nguồn của xã tưới nước phục vụ nông nghiệp cho ba thôn gồm Hoàng Oanh, Hương Ngọc và Vị Hương. Mùa ruồi nhặng sinh sản, ruồi, nhặng bay đầy nhà trong khi đó những loại này lại rất có nguy cơ gây dịch bệnh. Người dân nơi đây đều dùng nước bơm từ giếng lên để sinh hoạt, ăn, uống. Không ai dám khẳng định khi những dòng nước đen ngòm chảy từ bãi rác ra không ngấm vào các giếng nước. Nhiều hộ dân đã phải đi xin hoặc mua nước ở nơi khác về nấu ăn. Đến bữa ăn cơm mọi người đều cố gắng ăn thật nhanh và luôn tay xua đuổi ruồi, nhặng. Một số gia đình còn ăn cơm trong bóng tối không giám bật đèn vì sợ sáng ruồi kéo đến.
Anh Nguyễn Văn Đắc người nhận thầu hồ Đồng Vọ đầu nguồn vừa thả cá vừa cung cấp nước phục vụ nông nghiệp cho ba thôn dẫn chúng tôi đi xem các kênh rạch nước đen ngòm và xác cá chết nổi bồng bềnh. Anh tâm sự, do phải tưới nước từ bãi rác chảy ra nên năng suất lúa, hoa màu ở đây kém hẳn so với các nơi khác. Trang trại của anh rộng 3 ha. Trước đây, anh vừa thả cá vừa kết hợp chăn nuôi, trồng trọt mỗi năm thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Vài năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng nên cây trong vườn cứ vàng úa, gia súc, gia cầm đều chết không rõ nguyên nhân. Do làm ăn thua lỗ hiện gia đình anh đang nợ ngân hàng 100 triệu đồng chưa biết lấy đâu ra tiền để trả nợ.
Còn gia đình anh Trần Văn Đấu thì đã phải bỏ cả giếng nước trước đây vốn rất trong để đi dùng nhờ vì mạch nước đã bị ô nhiễm nặng. Cả 220 hộ gia đình với 960 khẩu trong thôn đều phải chịu cảnh… mắc màn ăn cỗ và tối đến, thay vì đi chơi, dạo mát, văn hóa văn nghệ, thì đám nam thanh nữ tú phải đóng kín cửa để ngăn ngừa phần nào không khí nặng nề từ bãi rác đem lại.
Theo báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác bảo vệ môi trường của phường Khai Quang và thành phố Vĩnh Yên thì năm 1999, bãi rác đã được xây bể lọc và đào hố chôn lấp, nhưng vì lượng rác quá nhiều do tốc độ phát triển và được thu gom ở nhiều nơi, do vậy bãi rác ở tình trạng quá tải. Cũng chính vì diện tích của bãi rác tương đối lớn (khoảng trên 5 ha), lại nằm ở vị trí xa khu dân cư (chân núi Bông), nên khi xảy ra tình trạng ô nhiễm, hầu như các ngành hữu quan và chính quyền địa phương đều làm ngơ, cho đến khi tình trạng ô nhiễm ở mức cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân các vùng lân cận, họ mới “giật mình”(!)
Tìm hiểu sâu hơn một chút, được biết, bãi rác chưa được thiết kế và xây dựng đạt tiêu chuẩn quy định; bể lọc vốn đã quá tải, lại không được tu bổ, nạo vét thường xuyên hoặc được xử lý bằng các hình thức hóa chất; rác thải chủ yếu được chôn lấp theo phương pháp thủ công hoặc đốt trực tiếp; việc quản lý thu gom, phân loại không chặt chẽ… dẫn đến tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng và người chịu hậu quả đầu tiên chính là hơn hai trăm hộ dân thôn Hoàng Oanh và các vùng lân cận.
Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/04/2003 của Thủ tướng Chính phủ thì bãi rác này là một trong 6 cơ sở trong toàn quốc gây ô nhiễm nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để trong giai đoạn 2003-2006. Nhiều năm nay, xã Hương Sơn đã tiếp nhiều đoàn lãnh đạo của tỉnh về kiểm tra, khảo sát tình trạng ô nhiễm môi trường do bãi rác gây ra. Mới đây nhất, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh về kiểm tra, giám sát và công nhận việc phản ánh của chính quyền, nhân dân nơi đây là đúng sự thật, đề ra một số giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, đến nay, đã sắp bước qua năm 2008 mà việc xử lý vẫn nằm trong… kế hoạch. Bãi rác vẫn ở tình trạng ngày càng ô nhiễm và người dân Hoàng Oanh vẫn đang trông chờ vào giải pháp của Nhà nước trong khi nguy cơ về bệnh tật, kinh tế, an ninh trật tự và xã hội đang tiềm ẩn.