ThienNhien.Net – Tận dụng đất vườn đồi bị bỏ hoang, nông dân Tuyên Quang đã trồng gấc đem lại thu nhập cao gần 40 triệu đồng/ha/năm. Mô hình này đang dần được mở rộng ra ở nhiều địa phương có diện tích đất vườn đồi lớn. Trung tâm khuyến nông Tuyên Quang đã triển khai dự án trồng 50 ha gấc tại 5 xã Trung Môn, Lang Quán, Tứ Quận (Yên Sơn), xã Đức Ninh và Thái Sơn (Hàm Yên).
Cây gấc trồng trên đất Tuyên Quang sinh trưởng và phát triển tốt, bình quân mỗi trái gấc đạt trọng lượng 3 đến 4 kg, năng suất mỗi vụ đạt trên 400 kg/sào. Theo người trồng gấc ở xã Chân Sơn (thuộc huyện Yên Sơn), nếu bán tại nhà máy chế biến với giá hơn 3.000 đồng/kg, thì cũng có thu nhập từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng/sào (khoảng trên 35 – 40 triệu đồng/ha)…
Chân Sơn là xã có diện tích đất đồi chiếm 20% tổng diện tích đất tự nhiên. Phần lớn số diện tích này bà con thường bỏ hoang. Hơn 100 hộ nông dân ở xóm 7 của xã với sự hỗ trợ từ dự án đa dạng hóa thu nhập nông thôn (RIDP) đã đi đầu trong việc trồng gấc trên đất đồi, đem lại thành công lớn. Sản phẩm gấc của Chân Sơn được thu gom và vận chuyển về cơ sở chế biến ở Bắc Ninh, Bắc Giang tiêu thụ.
Theo cán bộ khuyến nông, cây gấc ít bị sâu bệnh, dễ trồng, nhưng có một quy trình phải tuyệt đối tuân thủ là khi gấc đã ra quả thì không được dùng thuốc bảo vệ thực vật, bởi gấc sau chế biến được xuất khẩu ra nước ngoài dùng làm dược liệu, chế biến mỹ phẩm và dầu ăn, nên phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối.
Mới đây, UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng gấc hàng hóa năng suất, chất lượng cao tại 10 xã thuộc 2 huyện Hàm Yên và Yên Sơn, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh làm chủ đầu tư. Ngoài 5 xã kể trên, trong năm 2009 tỉnh sẽ trồng tiếp 50 ha tại các xã: Hùng Đức, Thái Hoà, Thành Long (Hàm Yên); Thắng Quân, Chân Sơn (Yên Sơn). Dự án sẽ hỗ trợ xây dựng tại mỗi xã 1 lò sấy gấc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm gấc quả, cung cấp nguyên liệu gấc cho các nhà máy chế biến dược phẩm trong nước./.