“Săn hài cốt”… động vật

ThienNhien.Net – Lỡ họ đào hài cốt người đến nhập thì sao? Bà chủ chừng 35 tuổi nhưng có đến thâm niên hơn 20 năm trong nghề buôn “rác xuất ngoại” ở xóm Trung Thành xã Diễn Hồng (Diễn Châu-Nghệ An) cười ngật ngưỡng nói: “Làm chi có. Chôn xuống hắn không hoá đất hết còn gì. Mà ai biết được…”. Trong vai một tay xe tải chúng tôi tiếp cận được với những bà chủ “cỡ đại” về gom xương động vật “xuất ngoại” để nghe kể nhiều chuyện “rợn tóc gáy”…

Tôi không sành “tửu sắc”. Nhưng cũng hiểu được cái thú uống rượu bụi. Nhất là lúc đêm khuya, tĩnh… ngồi với “tri kỷ” nhấp chén rượu nhạt với một mớ “xương bốc mả” – loại xương bò, lợn, trâu, gà, chó… nầm kỹ để lấy nước “cất”. Được tất. Chả thú vị sao khi mà nhà “ẩm thực” học Băng Sơn đã có những “trường văn” về loại xương này. Một lần về đất Phủ Diễn (tên gọi của huyện Diễn Châu xưa), bà chủ quán ăn khuya ở Cầu Bùng cho hay: “Loại xương này hiện cũng có giá lắm. Nghe đâu họ đi lùng để bán cho thương nhân nước ngoài đấy…”.

Hiếm như… “xương bốc mả”

Mon men hỏi chuyện mới hay, xã Diễn Hồng của huyện này là nơi tập kết của xương động vật tứ xứ đổ về. Gần chục năm nay, Diễn Hồng nổi tiếng với hàng chục hộ dân chuyên làm nghề thu mua rác các loại như ni lông, nhôm, sắt hay như bì xắc rắn, lông vịt, lông ngan… rồi nhập sang Lào. Cái nghề tưởng là “hạ đẳng” nhưng đã giúp cho người dân Diễn Hồng giàu lên nhanh chóng.

Dọc QL 1A đoạn qua địa bàn xã này nhà cửa to sụ như biệt thự mọc lên san sát. Nơi đây hiện có đến hàng chục hộ dân là có đến nhiều tỷ đồng trong tay chứ không nói chuyện một tỷ. Quả là một sự phát triển nhanh chóng đến chóng mặt. Bởi vậy đến Diễn Hồng tôi không bị choáng ngợp trước cơ sở hạ tầng ở đây.

Tại đây, hỏi đến nhà vợ chồng Trình Thuỷ – một “đại lý” buôn xương lớn của đất Hồng ai cũng biết. “Chú cứ đi thẳng. Nhà bà ấy ở bên trái. Thấy cơ man là xương động vật được đóng gói cẩn thận thì dừng lại…”.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi đi chừng 500m, nhà của “chủ xương” nằm bên cạnh sông Vếch Bắc. Chiếc cầu trùng tên sông nhỏ tí chông chênh người qua… Ấn tượng đầu tiên về “cơ sở” này đó là mùi thum thủm. Mà không cơ man là mùi khó chịu tạo nên khiến chúng tôi không thể nhận ra đó là thứ mùi phát ra từ “phế phẩm” gì? Mùi lông vịt ẩm ướt, những chiếc bì cáu bẩn, ống nhựa, sắt phế thải ngổn ngang, loang lổ… Nhưng đập vào mắt tôi đó là đống xương động vật được đóng bì ngút ngát…

 
Gần 20 tấn xương này sắp ra “lò”.

Vài ba người trong bộ quần áo “kinh dị” bịt kín mặt hí hoáy đôi tay trần bới vào phân loại xương. “Làm thế không thấy bẩn, hôi sao?”, tôi hỏi.

Vừa để mắt vào mớ xương vung vãi dưới đất và cho vào bì giọng người phụ nữ nói: “Bẩn chi. Làm nhiều cũng quen rồi. Hôm ni là ít đây. Có hôm “hàng” về không có chỗ để phải đưa ra cả đường nữa đấy. Ri thì thấm chi chú…”.

Xương này lấy ở mô và nhập cho ai?

– Ở khắp nơi mà. Họ đi đào ở các bãi rác rồi đem về đây, nhiều lắm. Có ngày mấy tấn nữa chứ. Xương chi bà chủ cũng nhập. Mấy cũng lấy. Còn nhập đi mô tui cũng không biết nữa. Phải hai ba ngày là có xe về chở gần 20 tấn xương đó. Cách đây vài tháng chứ dừ thì hiếm lắm. Phải mất đến 3-4 ngày mới gom đủ một xe hàng hàng chục tấn. Nhiều thương nhân đến thu mua nhưng cũng không có mô…

Theo như người phụ nữ trên thì “phong trào” lùng xương động vật rộ lên từ cách đây gần 3 tháng. Đội quân bới rác tư ở Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc… đổ dồn về các bãi rác để “moi xương”. Giá xương dao động từ 3.500 đồng/kg đến hơn 5.000 đồng/kg – “trội” hơn so với các thứ phế liệu khác nên mọi người rất nhiệt tình, khiến cho việc lượm xương động vật đi tiêu thụ rầm rộ. Và chuyện khát hay hiếm “xương bốc mả” như hiện nay là điều dễ hiểu. Được biết ngoài đại lý Trình Thuỷ ở Diễn Hồng còn có nhiều cơ sở khác cũng “tham gia” việc gom xương. Và ở đại lý nào, xương động vật cũng là của hiếm, đắt hàng…

Tôi đi “gạ” mua “hài cốt”…

Khi nghe chúng tôi giới thiệu là dân chạy xe tải đi tuyến Móng Cái nhưng gần đây thấy xương “lên ngôi” nên muốn mua hàng lâu dài, bà chủ Thuỷ (Đại lý Trình Thủy ở Diễn Hồng) niềm nở mời vào nhà uống nước. Đi qua bãi xương đóng bì tươm tất bà chủ rót nước mời khách mở lời: “Thú thật các chú chứ hàng hiếm lắm. Đấy, hàng ngoài kia là của một tư thương người Trung Quốc họ đặt ấy. Hết ngày ni mới được xấp xỉ 20 tấn đi mai họ đến chở. Cách đây hai ba ngày họ cũng đã chở một xe ri rồi… Nói thật các chú mới đi lần đầu nên khó lắm. Buôn xương không phải dễ mô. Hơn nữa hàng dạo ni cũng khan rồi…”.

Thì họ mua giá bao nhiêu thì chúng tôi mua cao hơn có sao đâu?. Bà chủ cười nhẹ,, nhếch miệng giải thích: “Các chú đi buôn hàng cũng hiểu chi. Làm ăn cái quan trọng là chữ tín với nhau. Giá cả cũng quan trọng đấy nhưng cũng khó. Nhà tui không chỉ nhập cho thương người Trung Quốc mà thú thực một số người ở Thanh Hoá cũng vào mua đấy. Nhiều lúc thấy được giá cũng “se” bớt đi chớ…”.

 
Người phụ nữ đang cân xương cho khách

Ngồi cà kê hồi lâu, mới hay “bà chủ” này nhập nghề buôn, đổi đồng nát từ năm 13 tuổi. Với chiếc xe đạp cà tàng “kẹp nách” hai chiếc sọt, mấy thứ bánh mỳ, kem đạp khắp các huyện lỵ hàng trăm cây số như Đô Lương, Tân Kỳ, Thanh Chương… để đổi lấy rác phế liệu về nhập cho các đại lý lớn. Dăm năm lại đây khi đã quen mối hàng gia đình chị chuyển sang thành “đại lý” thu mua lại của các “tay rác” lẻ rồi nhập sang Lào. Trước “bà chủ” chỉ nhập lông vịt, lông ngan, bì, nhựa, sắt, nhôm, đồng phế liệu… Mới đây có người đến hỏi mua xương động vật nên “đại lý” này mới kiêm cả “nghề” gom xương động vật. “Mới đầu tui cũng tưởng ít, nhưng dần quen thì tự các “chân rết” gom xương rồi nhập cho mình…”, bà Thuỷ cho hay.

Cũng theo bà Thuỷ thì “khách chính” của cơ sở là hai người Trung Quốc đến tận nhà để lấy hàng. Họ đi còn mang theo một phiên dịch người Hải Phòng. Cứ 3 đến 4 ngày là họ vào một lần. Đi đến các đại lý mua hết hàng, có bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Bà chủ cũng không hay biết họ mua thứ đó về để làm gì. Họ cũng đã vào mua đến hơn 20 chuyến rồi. Chuyến nào cũng từ 17 đến hơn 20 tấn xương. Giá một kg xương tại thời điểm tháng 8 theo bà Thuỷ là hơn 5 ngàn đồng/kg. Xương thì xương gì cũng được: Xương trâu, bò, chó, gà, lợn… được tất.

“Xương tươi thì thế nào?” tôi hỏi.

– Cũng giá rứa thôi. Miễn là đừng có “lừa” là được. Tươi với khô xương nó không hao mấy mô.

Sang Lào lượm xương

Để có nguồn xương động vật dồi dào đáp ứng nhu cầu thu mua của thương nhân, nhiều đại lý như bà Thuỷ đã tạo các chân rết ở tất cả các huyện.

“Chú cứ vô bãi rác Nghi Kim (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) người đào bới xương nhiều lắm. Thời cao điểm một ngày họ cũng đào được 1 tấn. Dừ thì cũng chỉ được 4-5 tấn một ngày là cùng. Nhưng ở đây cũng có một “ông chủ nhỏ” mua lại xương của các “tay rác”. Nhờ đó mà họ mà bán ra ngoài được…”, bà Thuỷ tiết lộ.

Trong lúc trò chuyện cùng bà chủ này, đã có hơn vài lần các “chủ xương” nhỏ đến nhập. Tôi để ý đến người phụ nữ nhỏ thó, đen nhẻm. Bước vào nhà chị ta hỏi, “Xương mấy thế?”

– Năm mốt (tức 5.100 đồng/kg)

– Năm ba nhé? Bà chủ Thuỷ chần chừ giây lát rồi gật đầu hỏi được mấy tạ.

– Được 4-5 tạ. Dạo ni hiếm lắm. Tui về chở nhé? Chưa để cho bà Thuỷ đồng ý người phụ nữ kia đã bước vội đi. Qua cuộc ngã giá nhanh chóng này chúng tôi hiểu xương động vật được giá đến nhường nào. “Bà ấy người Công Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) cũng gom của nhiều nơi mới được đấy”.

 
Chiếc xe xương từ Lào về.

Nói đoạn bà Thuỷ dẫn chúng tôi ra ngoài, một chiếc xe mang biển số Lào chất đầy xương trắng hếu lui đít vào cơ sở. “Gần đây chúng tôi còn nhập cả xương từ Lào về nữa đó. Xương ở mình hiếm rồi. Ngay cả các quán ăn, lò mổ hay các bãi rác cũng cạn kiệt hết…”, bà Thuỷ vừa trao đổi với chủ xe vừa nói chuyện.

Tận Lào à, bên ấy rẻ hơn hay sao?

– Không sang đó lúc rảnh thì họ đi lặt thôi. Chứ họ không bán. Mà có mua thì vận chuyển về đây cước cao lắm. Lỗ là cái chắc. Chỉ có những người họ đi nhập phế liệu ở Lào rồi tranh thủ “kèm” thêm thôi…!

Gần nửa tiếng đồng hồ ngồi trò chuyện với một “chủ xương” và cũng chừng ấy thời giam lượn xe đến các điểm thu mua xương động vật, chúng tôi mới ngỡ ra nhiều điều.

Mọi thứ có thể thành tiền. Ngay cả “hài cốt” động vật. Và để cho xương nặng nhiều thủ thuật cũng được người ta tận dụng: xương được đóng vào bì kèm theo đá; xương ống nhét đất vào trong hay phun nước…

Mới thấy câu chuyện “săn hài cốt” động vật đang nóng lên ở khắp các ngõ ngách vùng quê, phố thị… Không rõ thương nhân mua xương để làm gì nhưng nơi tập kết xương đang là nơi tiềm ẩn dịch bệnh, môi trường sống của người dân cũng bị xáo trộn…

  Ông Trần Văn Tấn – Chủ tịch UBND xã Diễn Hồng (Diễn Chấu-Nghệ An) khẳng định: “Việc các hộ tập kết mua xương động vật trên địa bàn là có thực. Việc làm này rộ lên cách đây 2 – 3 tháng. Chúng tôi cũng không rõ việc họ mua xương để làm gì. Nhưng việc thu gom xương đã khiến cho môi trường bị ô nhiễm. Dân đã kiện cáo chúng tôi đã giao cho công an xã nhắc nhở xử lý và cần phải đình chỉ việc buôn bán này. Trước đây nhiều hộ buôn phế liệu, dân kêu, chúng tôi cũng đã đưa tất cả ra khu công nghiệp hết…”.