ThienNhien.Net – Có một thực tế rằng, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô nhỏ nhưng lại gây ô nhiễm môi trường không kém các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đã được “điểm danh”. Đó là hàng ngàn các cơ sở y tế tư nhân, phòng khám, các cơ sở sử dụng hóa chất như in ấn, mạ kim loại, sơn hàn xì hay các nghề như chế biến da trâu bò muối, chế biến nông sản và 83 làng nghề sử dụng các loại công cụ thủ công truyền thống, lạc hậu cùng trên 1.000 công trường xây dựng lớn nhỏ.
Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TT ngày 22/04/2003 của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, cả nước có 388 cơ sở cần xử lý trước ngày 31/12/2007, trong đó, trên địa bàn Hà Nội có 16 cơ sở. Tuy nhiên, trong khi việc xử lý ô nhiễm ở các cơ sở này còn chưa triệt để, thì tình trạng vi phạm tại hàng ngàn cơ sở mới lại tiếp tục phát sinh, với mức độ nghiêm trọng không kém.
Thông tin từ Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) cho biết, đến nay, trong tổng số 16 cơ sở phải xử lý triệt để ô nhiễm, có 8 cơ sở đã hoàn thành việc xử lý triệt để hoặc không còn gây ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó có 5 cơ sở đã được cấp có thẩm quyền ký quyết định chứng nhận đã hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm, 3 cơ sở đang lập hồ sơ đề nghị chứng nhận hoàn thành tiếp.
Đối với 8 cơ sở còn lại gồm Công ty Rượu Hà Nội, Công ty Dệt may Hà Nội, Công ty Dệt 8-3, Bệnh viện Việt -Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đống Đa – Hà Nội, bãi rác Kiêu Kỵ- Hà Nội, cũng đã và đang triển khai một số biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường.
Vướng mắc hiện nay của một số công ty trong việc xử lý ô nhiễm hoặc di dời chủ yếu là vấn đề kế hoạch sản xuất kinh doanh hoặc kinh phí. Đối với các bệnh viện thì gặp phải khó khăn về kinh phí. Đối với các cơ sở công nghiệp, một phần do mục tiêu xử lý ô nhiễm có sự thay đổi, phần khác do quy hoạch sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh, nên sẽ di chuyển toàn bộ hoặc các bộ phận gây ô nhiễm ra khỏi Hà Nội theo quy hoạch tổng thể của UBND TP.
Trao đổi về tiến độ và kế hoạch di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành, ông Hồ Hải – Giám đốc Công ty Rượu Hà Nội cho biết: “Theo kế hoạch chúng tôi sẽ di dời vào cuối năm 2008. Dự kiến, tháng 03/2009 sẽ bắt đầu đi vào sản xuất”.
Trong khi đó, việc xử lý ô nhiễm ở các cơ sở theo Quyết định 64 chưa triệt để thì tình trạng vi phạm tại hàng ngàn cơ sở mới lại tiếp tục phát sinh, với mức độ nghiêm trọng không kém. Đó là hàng ngàn các cơ sở y tế tư nhân, phòng khám, các cơ sở sử dụng hóa chất như in ấn, mạ kim loại, sơn hàn xì, hay các nghề như chế biến da trâu bò muối, chế biến nông sản và 83 làng nghề sử dụng các loại công cụ thủ công truyền thống, lạc hậu cùng trên 1.000 công trường xây dựng lớn nhỏ đang thi công.
Từ tháng 12/2007 đến tháng 05/2008, Phòng Cảnh sát môi trường- Công an TP Hà Nội đã phối hợp kiểm tra đột xuất, phát hiện 39 cơ sở vi phạm, đã xử lý được 16 vụ. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, đến thời điểm này, nhiều cơ sở vi phạm vẫn chưa có quyết định xử lý, hoặc đã có quyết định xử lý nhưng cố tình dây dưa không chịu nộp phạt, ảnh hưởng đến tiến độ kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm khác trên địa bàn.
Cụ thể như, hai cơ sở chế biến da trâu bò muối tại Km13, Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội bị phạt 6,3 triệu đồng do không có cam kết bảo vệ môi trường và 38 triệu đồng do nước thải vượt ngưỡng cho phép gây ô nhiễm môi trường, nhưng mới chỉ nộp 6,3 triệu đồng.
Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và thương mại Việt Long, Công ty In Công đoàn (167 Tây Sơn) và Công ty cổ phần Mạ kim loại Tiến Hà (Đông Anh), cùng 23 cơ sở khác đã có biên bản vi phạm nhưng chưa có quyết định xử phạt. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tiến độ kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm khác trên địa bàn.
Hàng loạt các cơ sở y tế vi phạm về xử lý nước thải
Theo Quyết định 64, Hà Nội có đến 6 bệnh viện lớn phải thực hiện ngay việc xử lý ô nhiễm là Bệnh viện K, Bệnh viện Việt – Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Thanh Nhàn. Sau 4 năm triển khai, mới chỉ có 3 bệnh viện cơ bản hoàn thành xong việc xử lý, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, số còn lại vẫn đang trong quá trình thực hiện.
Hà Nội là địa phương có số lượng cơ sở y tế lớn thứ 2 của cả nước, sau TP Hồ Chí Minh, với 32 cơ sở do Bộ Y tế và các Bộ khác quản lý, 50 cơ sở do Sở Y tế Hà Nội quản lý và khoảng 2.000 cơ sở y tế tư nhân (phòng xét nghiệm, chụp chiếu X -quang, phòng khám, dịch vụ thử máu tại nhà…).
Qua điều tra cơ bản của Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội, toàn thành phố hiện mới có hơn 100 bệnh viện và cơ sở y tế tư nhân ký hợp đồng thu gom, xử lý rác thải y tế. Trong số gần 2.000 cơ sở y tế còn lại, hầu hết đều không có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Rác thải y tế được đổ ra xe thu gom của các công ty vệ sinh môi trường theo rác sinh hoạt, chưa được thu gom đúng quy trình, thậm chí còn bị một số đối tượng lợi dụng buôn bán theo hình thức buôn bán phế liệu… còn tất cả nước thải trong các cơ sở y tế này đều dồn vào bể phốt rồi đổ thẳng ra hệ thống cống thoát nước chung của thành phố.
Theo Trung tâm Quan trắc (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), nước thải bệnh viện được liệt vào danh mục chất thải đặc biệt nguy hại nếu không được xử lý triệt để sẽ là mối nguy hại bởi ngoài các loại vi trùng từ máu, dịch đờm, phân người bệnh… còn có dung dịch chứa các loại chất phóng xạ như nước tiểu của bệnh nhân, các dịch bài tiết, nước rửa dụng cụ phóng xạ.
Kết quả quan trắc tại 32 bệnh viện trong thời gian qua trên địa bàn Hà Nội cho thấy, trên 75% bệnh viện có hàm lượng BOD5 vượt tiêu chuẩn cho phép, trên 50% bệnh viện có hàm lượng Amoni vượt tiêu chuẩn cho phép, trên 90% trong tổng số 16 bệnh viện được quan trắc năm 2007 có hàm lượng dầu mỡ động vật trong nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép; 50% bệnh viện có nồng độ vi khuẩn Vibrio, Cholerae trong nước thải với lượng từ 1 đến 120 CFU/ml.
Trung tá Trần Quang Cường, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội cho biết: “Hà Nội hiện có 5 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, với 185 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, thu hút hơn 54.000 lao động. Ngoài ra còn có 18 KCN vừa và nhỏ với trên 300 dự án, thu hút hơn 10.000 lao động. Bên cạnh đó là 16.000 cơ sở sản xuất công nghiệp (trong đó có 150 cơ sở trong nội thành và khoảng 200 cơ sở sản xuất cũ vẫn tồn tại) hầu hết đều sản xuất phân tán với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.Các vi phạm chủ yếu là chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực môi trường như không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải…”.