ThienNhien.Net – Trong khi các cộng đồng dân cư sống dọc theo lưu vực sông Mê Kông đang phải đối mặt với trận lũ nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua, thì có thông tin cho rằng hệ thống cảnh báo lũ trên con sông này đang có vấn đề.
Sông Mê Kông đối mặt với lũ đỉnh trong vòng 100 năm
Thông tin này được đưa ra sau khi những ngôi làng thuộc hai huyện Chiang Saen và Chinag Khong ở miền Nam Thái Lan buộc phải sơ tán do nước lũ dâng lên đột ngột. Trong khi trước đó các nhà chức trách cũng như trung tâm dự báo thiên tai không hề có một cảnh báo nào cho người dân về đợt lũ ngày 12 – 13/08.
Song, Uỷ ban Sông Mê Kông (MRC) vẫn khẳng định rằng không hề có bất kỳ sự cố nào đối với hệ thống cảnh báo. MRC có 22 trạm quan sát theo dõi tình hình nước lũ đặt trên 4 quốc gia thành viên. Ngoài ra, còn được hỗ trợ bởi hai trạm quan trắc đặt ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Theo ghi nhận của các trạm quan trắc cho thấy mực nước trên sông Mê Kông đã đạt đỉnh lũ xấp xỉ 14m, vượt qua đỉnh lũ cao nhất ghi nhận được vào năm 1966 là 12,69m. MRC cho biết họ đã đưa ra cảnh báo từ ngày 11/08. Các nhà chức trách địa phương cũng như giới truyền thông đã được huy động tối đa để cảnh báo cho người dân.
Từ năm 2001, MRC cũng đã tiến hành một dự án giúp những người dân sống chung với lũ. Những người dân sống trên lưu vực sông Mê Kông đã thường xuyên đối mặt với nước lũ trong hàng thập kỷ nay. Do đó, khi kết hợp với những thông tin từ các trạm quan trắc, họ biết được khi nào là thời gian tốt nhất để đối phó, sơ tán và có biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm của mình.
Tuy nhiên, các cộng đồng dân cư sống trên lưu vực của các nhánh sông Mê Kông ở Lào và Thái Lan đã hết sức bất ngờ và hầu như không kịp đối phó khi cơn lũ ập đến. Nếu hệ thống cảnh báo lũ hoạt động đúng chức năng thì người dân ở đây đã không phải chịu nhiều thiệt hại đến vậy.
Ngay từ đầu mùa mưa năm nay lượng mưa ở Lào đã tăng đột biến. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của cơn bão nhiệt đới đã làm cho mực nước sông Mê Kông dâng lên và đạt đỉnh cao nhất trong những ngày 8 – 10 tháng 8 vừa qua.
Một số nhà hoạt động môi trường cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho MRC không cảnh báo chính xác ảnh hưởng của đợt lũ này là do Trung Quốc – nơi bắt nguồn của sông Mê Kông nhưng từ chối tham gia vào Uỷ ban Sông Mê Kông. Không những thế Trung Quốc còn xây dựng 3 đập thuỷ điện trên con sông nay nhưng lại từ chối cung cấp thông tin cho các quốc gia hạ lưu về lưu lượng nước.
Tuy nhiên, MRC vẫn tiếp tục khẳng định quan điểm của mình cho rằng lũ trên sông Mê Kông không liên quan đến các đập nước của Trung Quốc mà chỉ do điều kiện khí tượng thuỷ văn gây ra.