ThienNhien.Net – Ngày 21/8, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Trồng Trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức hội thảo “Chiến lược an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”. Tại đây, các nhà khoa học, nhà quản lý và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh phía Nam đã có những ý kiến đóng góp bổ sung và đề xuất một số cơ chế chính sách cho người sản xuất lương thực nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong thời gian trước mắt và lâu dài.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc xây dựng và triển khai “Chiến lược an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” xuất phát từ bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực trước những nguy cơ gia tăng về thiên tai, dịch bệnh do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới về dân số tiếp tục tăng nhanh, do đó nhu cầu lương thực trong nước sẽ tăng theo, trong khi đó tốc độ tăng năng suất đang có xu hướng giảm dần, giá cả vật tư, nhiên liệu đầu vào liên tục tăng và áp lực của thâm canh, tăng vụ đã tạo điều kiện cho sâu bệnh gia tăng.
Ông Ngọc cho biết, chiến lược an ninh lương thực quốc gia cũng xác định một số cây trồng chủ lực, trong đó cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 52-55% sản lượng và hơn 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu của cả nước. Ngoài ra, ĐBSCL còn là vựa cây ăn trái chiếm hơn 80% sản lượng của cả nước. Đây là hai loại cây trồng có tiềm năng và thế mạnh cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới, mặc dù sản lượng xuất khẩu trái cây còn rất khiêm tốn.
GS. Võ Tòng Xuân nêu ra một số điểm yếu cần khắc phục như hiện còn rất nhiều nông dân trồng lúa theo kinh nghiệm cổ truyền, không thực hiện theo khuyến cáo của cán bộ khoa học nên năng suất, chất lượng thấp, dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao; hệ thống thu mua, lưu thông lúa gạo trong nước còn manh mún, không hiệu quả, dễ gây rủi ro cho nông dân.
Ông Xuân cũng kiến nghị Ban soạn thảo đề án chiến lược an ninh lương thực quốc gia khẩn trương rà soát, xây dựng quy hoạch tổng quan về sản xuất lúa trên phạm vi toàn quốc và theo từng vùng để trình Quốc hội phê duyệt và cần có pháp lệnh quy hoạch đất đai để ổn định diện tích đất trồng lúa và một số cây trồng khác; đồng thời thiết lập hệ thống thông tin an ninh lương thực nhằm nắm chính xác tình hình sản xuất, thu hoạch, sản lượng lúa để chủ động lượng lúa gạo dự trữ và xuất khẩu.
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý còn nêu lên những bức xúc như đất trồng lúa đang bị mất dần để phát triển công nghiệp, dịch vụ; nông dân trồng lúa thu nhập thấp do ruộng đất manh mún làm hạn chế sự đầu tư thâm canh và cơ giới hóa; thất thoát trong thu hoạch và sau thu hoạch còn quá cao (14%); chưa có chính sách đồng bộ để người làm lương thực có thu nhập ổn định…
Mục tiêu của chiến lược an ninh lương thực quốc gia đến năm 2010 diện tích đất canh tác lúa duy trì khoảng 4 triệu ha; đến năm 2020 còn 3,6 triệu ha và phải ổn định lâu dài từ sau 2020 đến năm 2050 là 3,5 triệu ha. Sản lượng thóc (lúa) phấn đấu đạt 36,5 triệu tấn vào năm 2010; 39,8 triệu tấn vào năm 2020 và 40,5 triệu tấn vào năm 2030.
Các giải pháp về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, kiểm soát tăng dân số và các chính sách về bảo vệ và quản lý đất trồng lúa, hỗ trợ cho người sản xuất lương thực, vùng quy hoạch chuyên sản xuất lúa, dự báo nhu cầu về lương thực… được đưa ra thảo luận, đóng góp ý kiến tại hội thảo./.