ThienNhien.Net – Gần đây, tình trạng khai thác và chế biến đá xây dựng tại các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam đang bộc lộ rất nhiều vấn đề phức tạp. Điều đáng quan tâm nhất là thiết bị khai thác và chế biến đá xây dựng của hầu hết các cơ sở đều lạc hậu, khi hoạt động gây ô nhiễm môi trường nặng, bụi đá bay mù mịt và phát tán trên diện rộng làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân, chất lượng đất canh tác vùng lân cận bị suy giảm do bụi đá liên tiếp bao phủ lên bề mặt ruộng, đồng hết năm này qua năm khác.
Mặc dù những năm gần đây, Hà Nam đã xác định lại phạm vi khai thác và tăng cường kiểm tra hoạt động các cơ sở sản xuất chế biến đá xây dựng nói chung. Bước đầu tỉnh khoanh định 27 mỏ đá vôi xi măng, 6 mỏ đá vôi xi măng – hoá chất ở hai huyện Kim Bảng và Thanh Liêm. Dự tính tài nguyên trữ lượng đá vôi xi măng các mỏ đã khoanh định của tỉnh Hà Nam nêu ở trên là 4.193,59 triệu tấn, tài nguyên trữ lượng đá vôi hoá chất khoảng 426,20 triệu tấn…Sự khoanh định này nhằm hạn chế khai thác tài nguyên tự phát phá vỡ cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng.
Tuy vậy, do công tác quản lý vẫn chưa tốt nên công tác khai thác, chế biến đá xây dựng bộc lộ nhiều vấn đề khá nan giải. Toàn tỉnh có trên 100 cơ sở khai thác và chế biến đá xây dựng, trung bình mỗi cơ sở sản xuất cung ứng ra thị trường xấp xỉ 1.000 m3 đá thành phẩm/tháng. Hầu hết máy móc thiết bị của các cơ sở sản xuất, chế biến đá xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam quá đơn giản, lạc hậu, không có hệ thống phun nước chống bụi nên gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Gần đây, người dân thị trấn Kiện Khê, xã Thanh Nghị…thuộc huyện Thanh Liêm bức xúc rằng: Nơi ở của họ quanh năm bị bụi đá mịt mù, người dân trong vùng mắc các bệnh viêm đường hô hấp, đau mắt trở nên phổ biến, bà con qua đường luôn phải đeo khẩu trang, bịt kín mặt mũi để tránh bụi. Mái nhà , trần nhà ở, trên tán cây ăn quả cứ bắt đầu hết mưa chuyển sang nắng là phủ trắng bụi đá. Nhiều nơi người dân bỏ ruộng vì bụi đá làm giảm chất lượng đất canh tác, cây trồng ở nơi này giảm khả năng thụ phấn nên kết hạt, kết trái kém do bụi đá lấn át.
Nghề khai thác và chế biến đá là một nghề khá nguy hiểm như thiết bị chuyển động và va đập mạnh, tiếng ồn rất lớn, băng tải chạy liên tục, đá nguyên liệu khi đưa vào thiết bị nghiền sàng văng tứ tung…Sự cố thiết bị cũng thường xuyên xảy ra, thế nhưng hầu hết các cơ sở coi nhẹ đến công tác trang bị bảo hộ lao động cho người đứng vận hành trực tiếp. Công nhân nghề đá cũng không được tập huấn kiến thức vệ vệ sinh an toàn lao động rất phổ biến.
Hà Nam đã có nhiều cuộc họp và đưa ra giải pháp khắc phục sự tồn tại trong khai thác, chế biến đá nhưng đến nay vẫn chưa hề có sự chuyển biến đáng kể. Người dân vùng bị bụi đá “bủa vây” thì vẫn cứ kêu trời!.