ThienNhien.Net – Những vùng biển chết – nơi các loài thủy sinh không thể tồn tại do thiếu oxy – đang tiếp tục mở rộng trong hơn 5 thập niên qua và tấn công khoảng 400 khu vực duyên hải trên thế giới. Đây là kết luận của một nhóm các nhà khoa học Mỹ và Thụy Điển công bố trên một tạp chí Khoa học số ra gần đây.
Theo nhà nghiên cứu Robert Diaz thuộc Viện Khoa học hàng hải (Mỹ) và Rutger Rosenberg thuộc Đại học Gothenburg (Thụy Điển), kể từ những năm 60 của thế kỷ trước, số lượng những vùng biển chết này đã tăng gấp đôi sau mỗi thập niên và hiện có tổng diện tích khoảng 245.000km2.
Nghiên cứu khẳng định, sự hình thành các vùng chết ngày càng nghiêm trọng hơn, chủ yếu do quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch và do tình trạng ô nhiễm môi trường bắt nguồn từ những dòng sông bị nhiễm nặng đổ ra biển. Tại các vùng “biển chết” này, môi trường sống của các động thực vật biển bị ô nhiễm trầm trọng. Trong hơn 400 vùng “biển chết” kể trên, phân nửa có nguyên nhân thiếu hụt ôxy do tảo. Khoảng 1/4 số còn lại do ô nhiễm theo mùa.
Do không còn oxy, các loài cá và giáp xác cũng như nguồn thực phẩm cần thiết cho những sinh vật này bị chết theo và vùng biển chết hình thành. Ngoài ra, nhiệt độ tăng do xu hướng ấm lên toàn cầu và việc đảo chiều dòng chảy dường như cũng làm tăng số lượng các vùng biển chết.
Rồi tảo sinh sôi nhanh, tự phân hủy thành vi sinh vật và hấp thu hết khí ôxy trong nước, gây ra hiện tượng tôm, cá chết hàng loạt, hủy diệt các lớp sinh vật đáy, bao gồm toàn bộ thực thể động thực vật sống ở đáy biển sâu. Quá trình phá hủy môi trường biển do thiếu khí ôxy này diễn ra cả ở các vùng nước lặng và ít xảy ra ở những nơi như cửa sông, vịnh hẹp.
Hiện tượng vùng biển chết được ghi nhận lần đầu tiên tại bờ biển Adriatic trong những năm 1950. Tình trạng ô nhiễm công nghiệp cũng như hệ thống sông ngòi nhiễm phân lân và nitơ đổ ra biển đã khiến số lượng tảo ở khu vực ven biển tăng nhanh chóng. Khi số tảo này chết và chìm xuống đáy biển, nó làm giảm lượng oxy trong nước – một quá trình gọi là “hypoxia”.
Các nhà khoa học giải thích, các vùng “biển chết” kể trên thường nằm gần các khu vực đông dân cư, nơi con người đổ lượng lớn các chất thải dinh dưỡng xuống biển.
Trước đây vùng biển chết thường chỉ xuất hiện tại những khu vực biển tĩnh, nơi có các luồng nước thấp luân chuyển, nhưng nay chúng xuất hiện ở cả những khu vực khai thác thủy sản thương mại như ở Baltic (hiện được coi là vùng “biển chết” lớn nhất thế giới), eo biển Kattegat (Thụy Điển), Biển Đen, Vịnh Mexico và biển Đông (Trung Quốc).
Các nhà khoa học nhấn mạnh, nạn ô nhiễm này đe dọa lớn tới ngành nuôi trồng thủy sản và trao đổi thương mại tôm cá gần bờ. Quá trình khắc phục tình trạng lượng ôxy giảm tại một vùng biển gần bờ sẽ cần rất nhiều thời gian./.