ThienNhien.Net – Tỉnh Vĩnh Phúc vừa xây dựng chiến lược bảo vệ hàng ngàn ha đất nông nghiệp đang có nguy cơ bị hoang mạc hóa. Với mục tiêu quản lý bền vững tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, nguồn nước gắn với đổi mới phương thức sử dụng đất nhằm chống thoái hóa đất, tạo điều kiện phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập người dân.
Trước mắt, ngành chức năng hướng dẫn nông dân sử dụng các loại phân bón chế biến bằng phụ phẩm nông nghiệp, các loại phân xanh, phân chuồng hoại mục với chế phẩm sinh học; cày sâu dần để tăng chiều dày đất canh tác cải tạo thành phần cơ giới cho tầng đất mặt; kết hợp vùi rơm rạ, bón vôi cho đất chống xói mòn, rửa trôi; đồng thời trồng rừng tăng độ che phủ, bố trí cây trồng hợp lý, áp dụng hình thức thâm canh, luân canh giữ nước, chống hạn.
Đặc biệt đối với vùng đất đồi, tỉnh phát triển mạnh mô hình nông lâm kết hợp theo phương pháp mương dưới bờ trên giảm triệt tiêu độ dốc, kết hợp trồng cây phân xanh ngang dốc chống xói mòn; trồng xen, gối vụ hạn chế bốc hơn nước, tăng hệ số thẩm thấu cho đất; khuyến cáo người dân cuốc xới gieo trồng trước mùa mưa, phủ cỏ khô, rơm rạ, phân xanh trước khi mùa mưa đến.
Về lâu dài, Vĩnh Phúc triển khai đồng bộ 4 giải pháp trong thời gian tới gồm: nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu để phục vụ công tác phòng chống hoang mạc hóa; tiếp tục điều tra đánh giá thực trạng hoang mạc hoá, nguyên cứu xác định nguyên nhân gây ra hoang mạc hóa; tổ chức các hoạt động kinh tế, chuyển giao công nghệ để bảo vệ, phát triển nguồn tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên nước; hợp tác quốc tế chống hoang mạc hóa.
Theo thống kê của Sở Tài Nguyên Môi trường Vĩnh Phúc, hiện tỉnh có trên 61.518 ha đất có nguy cơ hoang mạc hóa cao, trong đó 28.300 ha đất tại khu vực đồng bằng, 24.100 ha đất vùng đồi núi, 7.780 ha đất tại vùng cao. Đây là những diện tích đất đã bị khô cằn nứt nẻ sâu, phong hóa bạc mầu trắng xám rời rạc, khả năng hấp thụ của đất bị suy giảm, lộ dần thành những vùng hoang mạc đá.
Nguyên nhân chủ yếu là do lũ quét, lũ ống, hạn hán xảy ra thường xuyên, cùng với việc sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật, khai thác quá nhiều tài nguyên đất, rừng, nước của con người đã làm suy thoái đất dần dẫn đến hoang mạc hóa. Hàng năm, tại các khu vực trung du miền núi của tỉnh, mưa lũ đã cuốn đi khoảng 4,1 triệu tấn đất mầu mỡ do xói mòn./.