TheinNhien.Net – Một loại sinh vật mới chưa từng được biết đến từ trước tới nay vừa được phát hiện dưới đáy hồ Baikal của Nga, hồ nước ngọt sâu nhất thế giới. Loài sinh vật trên được phát hiện ngày 11/08, khi hai tàu ngầm mini "Hòa bình -1" và " Hoà bình-2" lặn sâu xuống đáy hồ Baikal.
Hai tàu ngầm này đã đưa lên mặt nước một số bọt biển sống ở đáy hồ. Đây là một loại sinh vật có cấu tạo đơn giản hơn cả trong số các loài động vật đa bào không có xương sống, không có các mô được phân biệt rõ ràng và các cơ quan riêng biệt. Có giả thiết cho rằng đây chính là loài bọt biển xanh chưa được nghiên cứu ở hồ Baikal.
Theo các nhà khoa học, bọt biển gồm khoảng 5.000 loại khác nhau, tất cả đều sống bất động dưới nước, trong đó đại đa số sống ở biển. Bọt biển là một loại động vật không xương sống, trông giống đám bọt, cơ thể cấu tạo đơn giản, có nhiều gai xương hoặc mạng sợi mềm.
Dự kiến trong chương trình nghiên cứu hồ Baikal, các nhà khoa học Nga sử dụng hai tàu ngầm mini “Hòa bình -1″ và ” Hòa bình-2″ thực hiện tổng cộng gần 160 cuộc lặn ở các vị trí khác nhau của hồ này nhằm nghiên cứu trữ lượng dầu khí, các hiện tượng kiến tạo cũng như tìm kiếm các cổ vật tại đây.
Hồ Baikal nằm ở phía Nam vùng Siabiri của Nga, có chiều dài 636 km, chứa 23.000 tỷ mét khối nước, chiếm tới 20% dự trữ nước ngọt của toàn thế giới, 90% của nước Nga. Tại đây có rất nhiều loài động, thực vật không hề có ở bất kỳ hồ nước nào trên Trái đất./.