ThienNhien.Net – Ngày 19/08, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức buổi họp báo về vấn đề “Nâng cao hiệu quả của việc quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên và hướng tới sự phát triển bền vững”. Tại đây, lãnh đạo Bộ đã giải đáp nhiều câu hỏi của các cơ quan thông tin đại chúng thuộc Trung ương và Hà Nội về 5 lĩnh vực đất đai, môi trường, khí tượng thuỷ văn, khoáng sản, tài nguyên nước.
Đất đai là lĩnh vực “nóng” nhất, nhận được nhiều câu hỏi nhất, tập trung vào các vấn đề liên quan tới thuế đất, thị trường bất động sản, quyền sử dụng đất, giá đất, đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, giải quyết công ăn việc làm cho người dân bị thu hồi đất; quy hoạch sử dụng đất; thống nhất cấp 01 loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất…
Ông Lê Thanh Khuyến, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục đất đai cho biết: “Bộ đang tiến hành sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp sắp tới trên tinh thần đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và của người sử dụng đất, trong đó có quy định rõ về việc công khai quy hoạch sử dụng đất để người dân được biết, công bố thời gian thu hồi đất…”.
Giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề nhạy cảm, có nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo, khiếu kiện đông người và kéo trong thời gian qua mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế chính sách chưa rõ ràng, cụ thể. Do vậy, việc sửa đổi Luật đất đai năm 2003, đối với việc đền bù đất nông nghiệp sẽ phải dựa trên nguyên tắc thu hồi đất theo mục đích nào thì bồi thường theo mục đích đó để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và Nhà nước; thu hồi đất dựa trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Tại cuộc họp báo, hiệu quả của các trạm cảnh báo, dự báo bão, mưa lũ, lũ quét, nạn khai thác và xuất lậu khoáng sản, vụ nhập cảnh phế liệu thực chất là rác thải nguy hại, thải chất thải rắn nguy hại ra môi trường… cũng được đề cập đến.
Nhìn chung bên cạnh những việc làm được thuộc các lĩnh vực do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý trong thời gian qua, vẫn còn có nhiều điều bất cập xảy ra cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung về mặt pháp lý để sớm hoàn thiện trong thời gian tới, giúp cho việc quản lý tài nguyên và môi trường ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, không gây lãng phí tài nguyên của đất nước đưa ngành tài nguyên môi trường trở thành một ngành kinh tế mạnh và hướng tới phát triển bền vững./.