ThienNhien.Net – Ngày 22/08/2008, Quỹ đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) sẽ chính thức ra mắt nhằm bảo vệ các điểm nóng đa dạng sinh học ở khu vực Đông Dương, một trong 34 điểm đang bị đe dọa nghiêm trọng nhất toàn cầu.
CEPF là sáng kiến chung của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI), Cơ quan Phát triển Pháp, Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chính phủ Nhật Bản, Quỹ John D. và Catherine T. MacArthur, và Ngân hàng Thế giới.
Mục tiêu cơ bản của chương trình là thu hút sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở điểm nóng này.
Ở khu vực Đông Dương, phát triển kinh tế kết hợp với dân số tăng nhanh đã tạo ra sức ép rất lớn đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng. Ở nhiều nơi, khai thác quá mức đã lên tới đỉnh điểm do thiếu quy hoạch và quản lý hiệu quả. Các hoạt động bảo tồn do CEPF tài trợ sẽ hướng tới những nơi thiếu nguồn tài trợ để bảo tồn loài bị đe dọa ở mức độ toàn cầu và khuyến khích phát triển các sáng kiến, ý tưởng do người dân địa phương đề xuất cho hoạt động bảo tồn tại chỗ và thu hút sự tham gia của các đối tác liên quan chính nhằm tạo ra sự hài hòa giữa công tác bảo tồn và phát triển kinh tế.
Chương trình đầu tư của CEPF dành cho khu vực Đông Dương bao gồm các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và một phần nam Trung Quốc. Sự kiện quan trọng này là sự hợp tác giữa Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế (BirdLife International) và Quỹ đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF).
Quỹ tài trợ trị giá 9,5 triệu đô la Mỹ sẽ được giới thiệu rộng rãi nhằm bảo tồn đa dạng sinh học cho khu vực Đông Dương kéo dài trong vòng 5 năm.
Hoạt động bảo tồn của CEPF sẽ tập trung vào hai khu vực lớn: các cao nguyên đá vôi phía bắc; sông Mê Kông và các nhánh chính với 28 điểm đa dạng sinh học trọng yếu ở khu vực này. 67 loài động vật và 248 loài thực vật đang gặp nguy cấp ở mức độ toàn cầu cũng sẽ là đối tượng ưu tiên cho hoạt động tài trợ của CEPF. Hành lang các cao nguyên đá vôi phía bắc giữa biên giới Trung Quốc và Việt Nam sẽ là khu vực đặc biệt quan trọng cho công tác bảo tồn linh trưởng. Đây cũng là khu vực có ý nghĩa toàn cầu trong việc bảo tồn hệ thực vật với nhiều loài quý hiếm và tập hợp phong phú nhất của các loài thực vật hạt trần trong khu vực. Sông Mê Kông và các nhánh chính trải dài qua Campuchia, Lào và Thái Lan và là hệ sinh thái ven sông tiêu biểu nhất còn lại của khu vực Đông Dương.
Để biết thêm thông tin về quỹ tài trợ này xin mời tham khảo thêm trang web: http://www.cepf.net/xp/cepf/. Thông tin chi tiết và bản dịch bằng tiếng Việt, Anh, Khơ-me và sắp tới là Lào được đăng trên trang web http://www.birdlifeindochina.org/. Thông tin để có thể xin được tài trợ liên hệ: cepf-rit@birdlife.netnam.vn.