ThienNhien.Net – Phong tục rượu cần người Thái ( huyện Quỳ Châu, Nghệ An) là một hoạt động văn hoá dân gian truyền thống, có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hoá tinh thần, trong đó có tín ngưỡng, tâm linh. Nó thực sự là một di sản văn hoá được chú ý quan tâm lưu giữ trong ký ức đời sống của người dân tộc Thái ở huyện Quỳ Châu.
Phong tục rượu cần người Thái Quỳ Châu được biểu hiện trong từng gia đình, rượu cần cúng ma nhà, bốc vía, cưới hỏi, cúng rẫy, cúng đền thờ… để bày tỏ ý niệm, ước vọng của bản thân mình với các thần linh, các “ma”, cầu mong gia đình ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Phong tục rượu cần thể hiện sinh động tính cộng đồng, làng xã biểu hiện tinh thần đoàn kết, hoà hợp trong sinh hoạt, trong sản xuất và trong hoạt động xã hội.
Thế nhưng, phong tục uống rượu cần người Thái Quỳ Châu đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi sự xâm nhập của các phong tục “hiện đại” khác. Số nghệ nhân biết chế tác men rượu cần, ủ rượu cần, tổ chức uống rượu cần đúng luật tục, dụng cụ uống rượu cần, các làn điệu dân ca Thái lăm, xuối, nhuôn, òn, khắp… của phong tục rượu cần người Thái Quỳ Châu không còn nhiều.
Trước thực trạng đó, Nghệ An đã lập dự án “Nghiên cứu Bảo tồn giá trị văn hoá phong tục rượu cần người Thái Quỳ Châu”. Dự án điều tra, khảo sát và chọn một số địa điểm hiện nay đang còn giữ được nguyên bản gốc của phong tục rượu cần người Thái Quỳ Châu như ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, tiếp cận với các nghệ nhân biết chế tác rượu cần, thầy mo (thầy cúng) biết cúng có bài bản về phong tục rượu cần.
Cán bộ ngành văn hoá đã tiếp cận với ông mối, bà mối, ông “cham” và “ông phụ cham” là người biết tổ chức một cuộc uống rượu cần ở gia đình lễ tục và lễ hội dân gian truyền thống. Các quy trình làm men rượu, chế tác rượu cần, những dụng cụ, trang phục thực hiện phong tục uống rượu cần được tiến hành ghi hình, chụp ảnh, phiên dịch lồng tiếng… Đề tài khoa học cấp Bộ này được phổ biến, triển khai áp dụng tại 135 làng bản, khối xóm của đồng bào Thái ở Quỳ Châu nhằm giữ gìn, bảo vệ và phát triển giá trị văn hoá phong tục của đồng bào.
Để bảo tồn văn hoá vật thể và phi vật thể của phong tục rượu cần người Thái bền vững, tỉnh phấn đấu mỗi làng, bản của đồng bào dân tộc thiếu số có một nhà văn hoá cộng đồng làm điểm giao lưu văn hoá rượu cần, đồng thời là địa điểm truyên truyền đường lối chủ trương chính sách pháp luật đến với đồng bào. Các huyện miền núi chọn thời điểm mở hội thi “Rượu cần ngon” ở các xã hoặc làng, bản để các nghệ nhân thi tay nghề về rượu cần và thao tác diễn xướng đúng phong tục rượu cần, thi hát dân ca, trình diễn nhạc cụ.
Trong các lễ hội truyền thống của địa phương, các huyện miền núi gắn với hội chợ rượu cần thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Tỉnhcó chế độ, chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng, khuyến khích động viên kịp thời các nghệ nhân người dân tộc thiểu số ở Nghệ An, góp phần làm sống động văn hoá dân gian truyền thống ở cơ sở, bảo tồn giá trị văn hoá rượu cần và các thể loại văn hoá khác của địa phương./.