ThienNhien.Net – Nhắc tới Chiến khu Lê – “Lê Hồng Phong” thuộc 2 xã Hòa Thắng và Hồng Phong, huyện Bắc Bình ( Bình Thuận), nhiều người không khỏi “rùng mình” về một vùng hoang mạc, đất đai cằn cỗi, tứ bề chỉ có nắng, cát và gió. Trụ lại nơi đây chỉ có những cành xương rồng già nua, xơ xác. Bây giờ, “bức tranh” đó chỉ còn trong ký ức. Con đường về Chiến khu Lê hôm nay mênh mông một màu đỏ của đất, mát rượi những tán cây xum xê tràn đầy nhựa sống. Cuộc sống người dân cũng đổi thay theo từng ngày.
Thời kỳ chiến tranh, nơi đây là khu rừng rậm bạt ngàn với nhiều loài cây gỗ qúi hiếm và cũng là chiến trường ác liệt. Sau giải phóng, diện tích rừng bị mất dần do nhiều nguyên nhân: đốt rừng làm rẫy, khai thác trái phép gỗ, hầm than … cùng với sự tác động mạnh mẽ của môi trường tự nhiên nắng nóng, những cơn bão cát hàng ngày kéo qua khiến cho những con đường bị vùi lấp. Đời sống người dân ở Chiến khu Lê ngày càng khốn khó.
Anh Nguyễn Văn Quý, người chiến sĩ du kích năm xưa của khu Lê nhớ lại: “Giữa sa mạc cát mênh mông chỉ có những tán rừng ôrô và cây xương rồng mới sống được. Chúng tôi không chỉ chiến đấu với bom đạn mà còn với kẻ thù dai dẳng và khắc nghiệt hơn là nguồn nước. Ngày trước, người dân nơi đây từng ví von bằng cụm từ “tắm lửa”, do không có nước nên muốn tắm họ cứ đốt lửa trùm khăn cho vã mồ hôi rồi lau khô thế là đã…tắm”. Sống trong vùng hoang mạc thiếu nước, đời sống cơ cực là thế, nhưng không có hộ dân nào muốn rời bỏ quê cha đất tổ.
Không thể để bà con vùng Chiến khu Lê mãi nghèo trên vùng đất anh hùng, từ năm 2005, Hội Làm vườn tỉnh đã chủ trì thực hiện Dự án VN/04/010 “Thu trữ nước mưa bằng hồ xi măng đất và vật liệu HDPE kết hợp trồng cây xanh chống sa mạc hoá”. Dự án được sự tài trợ của Quỹ phát triển môi trường toàn cầu( Chương trình phát triển của Liên hợp Quốc (GEF/SGP), Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Bình Thuận phối hợp theo dõi và hỗ trợ.
Diện tích ban đầu là 4 ha được bố trí giao cho 4 hộ thực hiện với mô hình sinh thái bền vững: bên ngoài là hàng rào bảo vệ bò, dê vào phá bằng những trụ bê tông dây thép gai, kế tiếp là 2 hàng cây Neem (Cây Xoan chịu hạn) và cây dầu lai. Đây là 2 loại cây chịu hạn tốt, tỉ lệ sống cao được trồng ở vùng khô hạn phủ xanh đồi trọc, chống cát bay. Bên trong là những hàng cây Trôm được trồng với khoảng cách (7x7m) xen giữa là những loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cây họ đậu cải tạo đất như cây đậu phộng, cây dưa lấy hạt… Những loại cây này sau khi thu hoạch được sử dụng để ủ vào các gốc cây trôm nhằm bổ sung hàm lượng chất hữu cơ, làm tăng độ phì nhiêu và khả năng giữ nước của đất. Phía trên là các hồ thu trữ nước mưa với sức chứa từ 7- 17m3 để tưới vào mùa khô hạn và thả cá từ các hồ chứa này.
Theo Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Bình Thuận Trần Hữu Thái: mô hình này khác với các mô hình trước đây là ở chỗ “Nông dân là những người thực hiện và làm trên chính mảnh đất của họ”. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, các sản phẩm từ những cây nông nghiệp kết hợp với cải tạo đất như cây đậu phộng, cây dưa lấy hạt và cá nuôi ở trong các hồ chứa đã mang lại nguồn thu đáng kể trong những năm đầu thực hiện dự án.
Ông Võ Quốc Toàn, một trong những người dân ở vùng sa mạc chiến khu Lê thực hiện dự án cho biết: Số tiền thu được từ trồng cây màu xen rừng cây trôm năm đầu là trên 15 triệu đồng chưa tính thu nhập từ cá nuôi ở các hồ chứa. Ông phấn khởi : “Nếu những vùng đất ở sa mạc như thế này được cải tạo thành đất canh tác, người dân nơi đậy không những thoát được nghèo mà còn vươn lên làm giàu vào một ngày không xa”.
Nhờ những cố gắng không ngừng, đến nay Chiến khu Lê đã có một hệ thống thu trữ nước mưa trên cát và hệ thống tưới bố sung vào mùa khô gồm 17 hồ chứa nước lớn mỗi hồ 17m3 và 12 hồ chứa nước nhỏ mỗi hồ 7m3; trồng hơn 2.200 cây xoan chịu hạn và 4.500 cây dầu lai. Thành công bước đầu của mô hình là căn cứ khoa học đáng tin cậy cho việc cải tạo, phát triển sinh thái bền vững và cần được nhân rộng cho hơn 52.000 ha đất sa mạc hoang hóa ven biển thuộc 2 xã Hồng Phong và Hòa Thắng. Những vùng đất cằn cỗi đã dần biến mất và thay vào đó là màu xanh bạt ngàn của một sức sống mới.
Hoa xương rồng vẫn có thể nở trên sa mạc, chất anh hùng vẫn không phai trên mảnh đất này… Trong tương lai không xa, nơi đây là cả rừng cây Neem chịu hạn bao trùm lấy những hàng cây trôm lấy mủ cho giá trị kinh tế cao, tạo nên một hệ sinh thái bền vững, khí hậu trở nên ôn hòa, mát mẻ. Đời sống người dân sẽ trở nên sầm uất. Cái tên vùng sa mạc Chiến khu Lê chỉ còn trong dĩ vãng./.