ThienNhien.Net – Lâu nay, các nhà bảo vệ môi trường vẫn một mực cho rằng việc sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm đe dọa sự sinh tồn của các loài và các hệ sinh thái của rừng nhiệt đới. Song, một nghiên cứu mới đây đã kêu gọi chúng ta nên nhìn nhận “cuộc khủng hoảng thịt thú rừng” trong mối liên hệ với vấn đề "an ninh thực phẩm" của một bộ phận cư dân đang sống phụ thuộc chủ yếu vào rừng.
Bản nghiên cứu “Bảo tồn và khai thác tài nguyên động vật hoang dã (ĐVHD)” do Ban thư ký Công ước Đa dạng sinh học và Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) xuất bản, đã trình bày tóm tắt những hiểu biết cơ bản về vấn đề bảo tồn thiên nhiên và sử dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên của một số nhóm cư dân hiện vẫn sống chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên hoang dã.
Hiện nay, ở các nước có rừng nhiệt đới, hoạt động buôn bán ĐVHD đang diễn ra mạnh mẽ, thậm chí chiếm một phần không nhỏ trong GDP. Như tại các nước ở khu vực Tây và Trung Phi, ước tính mỗi năm doanh thu từ hoạt động này lên tới 42 – 205 triệu USD
Bên cạnh đó, có một thực tế không thể phủ nhận rằng thịt thú rừng là nguồn protein và chất béo quan trọng của các khu vực vùng sâu, vùng xa. Hơn 80% dân cư ở Trung Phi có nhu cầu này. Và thậm chí ở một số nơi, khó có thể kiếm nguồn thực phẩm nào khác thay thế tốt hơn một khi nguồn thú rừng bị cạn kiệt hoặc giảm xuống tới mức không thể hồi phục được.
Tuy nhiên, các chứng cớ qua nhiều cuộc nghiên cứu trải nghiệm cũng đã chỉ ra rằng, tốc độ khai thác thịt thú rừng hiện nay là không bền vững và nếu còn tiếp diễn sẽ dẫn đến sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên ở nhiều khu vực. Nhiều loài thú lớn đang bị đe dọa, thậm chí một số loài đã tuyệt chủng cục bộ. Hội chứng “ rừng trống” đang thu hút sự quan tâm của các nhà bảo vệ môi trường.
Nghiên cứu cho biết, những người dân nghèo sống phụ thuộc vào thịt thú rừng nhiều hơn so với người giàu. Bởi vậy, cần xem xét kỹ việc áp dụng lệnh cấm buôn bán thịt thú rừng có tổn hại đến nhu cầu mưu sinh của nhóm cư dân nghèo hay không.
Nghiên cứu cũng đề xuất rằng việc kiểm soát, quản lý cũng nên linh hoạt đối với từng loài, trong từng hoàn cảnh. Chẳng hạn, trước áp lực về nạn săn bắn, các loài có tốc độ sinh sản thấp, sống phụ thuộc vào môi trường nguyên sinh ít bị tác động như là loài khỉ Gorilla thì giảm nghiêm trọng nhưng trái lại, các loài sinh sản nhanh có thể sống ở môi trương khảm nông nghiệp như là linh dương và loài gặm nhấm thì lại mau phục hồi hơn. Vì vậy, việc áp dụng lệnh cấm săn bắn và buôn bán thịt thú rừng nếu không tính đến các yếu tố trên sẽ khó tránh khỏi thất bại.
Đến nay, các nhà chức trách cho rằng giải pháp bền vững đối với cuộc khủng hoảng thịt thú rừng là việc thiết lập một hệ thống quản lý an toàn hơn. Khi những người dân địa phương được đảm bảo về quyền lợi sử dụng đất đai bền vững và thói quen săn bắt, họ sẽ sẵn sàng tham gia quản lý rừng và thương lương việc săn bắt có lựa chọn. Ngoài ra, cần công khai nguồn gốc thịt thú rừng, loại bỏ những khu vực không hợp pháp, đồng thời mỗi quốc gia cũng cần thống kê việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã để lên kế hoạch kiểm soát phù hợp.