ThienNhien.Net – Trong thời gian qua, dự án Quy hoạch thành phố hai bên bờ sông Hồng đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của dư luận. Từ sau khi Hà Nội được mở rộng, cùng với việc lập quy hoạch xây dựng mới cho Thủ đô, dư luận lại đặt câu hỏi: Liệu dự án này có tiếp tục được triển khai? Mới đây, ngày 08/08, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã phối hợp với Ban quản lý dự án (Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội) tổ chức buổi tọa đàm “Lập quy hoạch phát triển cơ bản khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội”, nhằm điều chỉnh lại dự án này cho hợp lý.
Xây dựng thành phố Hà Nội an toàn với lũ
Các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, dự án phát triển tổng hợp sông Hồng là một dự án cần thiết để thành phố Hà Nội hình thành quy hoạch đô thị bước tới tương lai. Theo kết quả nghiên cứu, dự án này có tính khả thi về mặt kinh tế, tài chính, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu về mặt xã hội và môi trường.
Thông qua dự án này, xây dựng một thành phố Hà Nội an toàn với lũ. Ngoài ra, sẽ có hiệu quả trực tiếp là xây dựng cơ sở hạ tầng và hiệu quả gián tiếp là phát triển kinh tế và tạo ra việc làm.
Theo ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, sông Hồng sẽ là một phần rất quan trọng trong quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội mở rộng. Dự án này đang được nghiên cứu song song với đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội nhưng vẫn có sự lồng ghép để đảm bảo phù hợp. Từ sau khi mở rộng, sông Hồng không còn giới hạn trong phạm vi 40km như hiện nay. Do đó, việc nghiên cứu, điều chỉnh trị sẽ lớn hơn rất nhiều. Có thể không nên bó hẹp việc nghiên cứu sông Hồng chỉ trong dự án nghiên cứu sông Hồng đã thực hiện. Tuy vậy, đây là dự án hợp tác nên việc có mở rộng phạm vi nghiên cứu hay không cần phải thống nhất giữa hai bên. Chúng ta cũng có thể thực hiện các dự án nghiên cứu sông Hồng khác, ở những đoạn khác chảy qua Hà Nội mở rộng.
Với mục tiêu của dự án là đảm bảo an toàn lên hàng đầu, do đó, bên cạnh những đoạn đề xuất thu hẹp dòng chảy để tạo quỹ đất, có nhiều đoạn bắt buộc phải mở rộng như đoạn cầu Long Biên, mặt cắt đề xuất khoảng 1,2km (mở về phía quận Long Biên) hay thượng lưu cầu Thăng Long, mặt cắt lên tới 1,5km.
Ngoài nghiên cứu của chuyên gia Hàn Quốc, phía Việt Nam cũng mời chuyên gia thủy lợi trong nước tham gia, cũng như áp dụng nhiều phương pháp hiện đại để nghiên cứu về dòng chảy hành lang thoát lũ, đề xuất xây dựng tuyến đê mới.
Về vấn đề di dời dân, ông Đỗ Viết Chiến – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho biết, sẽ căn cứ trên cơ sở pháp luật chứ không phải trên nghiên cứu của chuyên gia nên số lượng hộ phải di dời sẽ phải tính toán lại. Trong Luật đê điều quy định rất rõ hai đối tượng phải di dời nên dù có hay không có dự án thì rất nhiều người dân cũng phải thực hiện di dời ra khỏi hành lang thoát lũ. Đối tượng còn lại sẽ lập quy hoạch chi tiết, sau đó quyết định phần nào di dời, phần nào giữ lại.
Ông Đỗ Viết Chiến cũng cho rằng, đây là thời điểm thích hợp nghiên cứu đồ án này, bởi hiện số dân đã xấp xỉ 20 vạn người, nếu để lâu chắc chắn sẽ tăng nhanh nữa. Mặt khác, toàn bộ công trình phát triển tự phát ngoài đê đang thu hẹp dòng chảy của sông Hồng, không bảo đảm an toàn thoát lũ.
Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia nhận định, dự án quy hoạch này có một số vấn đề cần phải nghiên cứu, điều chỉnh lại để phù hợp với cảnh quan của khu vực xung quanh, với văn hóa thủ đô và hạn chế chi phí. Các ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp, bổ sung nhằm hoàn thiện đồ án trước khi báo cáo các Bộ, ngành liên quan vào đầu năm 2009.
Nhiều ý kiến phản biện
Liên quan tới Quy hoạch khu vực sông Hồng, đoạn qua Hà Nội, PGS.TS Doãn Minh Khôi – Phó Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, đặc trưng của Hà Nội chính là mặt nước và cây xanh. Nếu các đô thị cao tầng đậm đặc sẽ gây ra vấn đề khó khăn về giao thông và chi phí rất lớn. Hơn nữa, tạo ra một hệ thống các nhà cao tầng ở khu vực bãi hiện hữu sẽ hình thành barie ngăn cản sự gắn kết giữa đô thị mới và đô thị cũ, giữa sông Hồng với thành phố. Do vậy, việc tao ra 8 khu vực đô thị cao tầng tương tự nhau là không nên.
Về khu vực giữa sông Hồng và hồ Tây được ông Khôi nhận xét là khu vực đẹp nhất Hà Nội hiện hữu, nhưng đầu tư vào đây chưa chắc đã đắc địa vì giao thông, hạ tầng kém sẽ gây nên sự quá tải. Đặc biệt, địa chất giữa sông và hồ không phù hợp với nhà cao tầng. Tại đây hiện có rất nhiều biệt thự đẹp, việc phá bỏ sẽ tạo nên sự lãng phí rất lớn. Ngoài ra, sông Hồng uốn cong theo hình vòng cung, nên cần tạo ra các điểm nhìn ra sông chứ không nên xây nhiều nhà cao tầng.
Ông Khôi đề xuất, Hà Nội đã mở rộng về phía Tây, do đó khu vực phát triển mạnh về kinh tế nên nằm ở phía Tây thành phố, còn khu vực hồ Tây-sông Hồng nên là khu vực tĩnh.
Còn theo ông Phó Đức Tùng, Đại học Lâm Nghiệp, một trong nhưngc nội dung trọng tâm của đồ án này là nhấn mạnh không gian thiên nhiên, đưa sông Hồng thành một dải thiên nhiên. Do đó, nếu dàn trải đô thị trên 40km sông Hồng là chưa thực sự thuyết phục. Những giải pháp do tư vấn đề xuất chưa làm bật cái hồn của sông Hồng; các thiết kế thiếu đề cập đến hiện trạng dân cư đang sinh sống hai bên sông, mặc dù cấu trúc này là sự phát triển tự phát.
PGS. Nguyễn Quốc Thông, Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng cũng cho rằng, đề án nên nghiên cứu điều kiện địa lý truyền thống trong không gian của khu vực, ở đây là mặt nước và xây xanh. Vì vậy, chức năng chính của khu vực nên là văn hóa, giao lưu chứ không nên quá coi trọng không gian kinh tế, đô thị.
Đồng tình với các ý kiến trên, ông Đào Ngọc Nghiêm, chủ tịch Hội quy hoạch Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội nhận định, xu hướng chung của các đồ án quy hoạch là bảo tồn, gìn giữ truyền thống, trong khi nội dung đồ án quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng lại chưa đề cập đến các khu dân cư hiện hữu, trong đó có những làng cổ nổi tiếng như Bát Tràng hay Tứ Liên. Mặt khác, việc trị thủy để bảo đảm an toàn rất quan trọng, nhưng các con số tính toán dường như chưa thật sự chính xác. Chẳng hạn, khi hoàn thành xong dự án thủy điện Sơn La, chắc chắn các thông số thoát lũ trên sông Hồng sẽ khác rất nhiều và phải tính toán lại.
Ông Nghiêm nói thêm: “Dự án hai bên bờ sông Hồng có cần phải di dời hàng vạn hộ dân để xây dựng các công trình hay chỉ cần chú trọng xây dựng cảnh quan hai bên sông, giảm bớt áp lực cho dự án trong lòng Hà Nội?”
Đồng tình với ông Đào Ngọc Nghiêm, một chuyên gia quy hoạch khác nêu vấn đề, có nên đặt các khu đô thị lớn ven sông trong khi quỹ đất an toàn bên trong còn rất nhiều? Tại sao lại phải dồn ra ngoài, phải di chuyển số lượng lớn dân cư như thế?
Và còn nhiều câu hỏi khác nữa đã được đưa ra trong buổi tọa đàm này, cho thấy, dự án Quy hoạch khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội cần phải được tiếp tục nghiên cứu, để có những điều chỉnh phù hợp.