ThienNhien.Net – Tại Vĩnh Long, trong khi sản xuất nông nghiệp- ngành sản xuất chủ lực của tỉnh thời gian gần đây đang gặp không ít khó khăn thì vẫn có một số hộ nông dân, một số địa phương xây dựng được những mô hình sản xuât mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi cá quả (cá lóc) trong ao của ông Lê Văn Việt ở xã cù lao Thanh Bình, huyện Vũng Liêm là một điển hình. Trên 400 m2 mặt nước ao trong vườn nhà, ông Việt thả nuôi 20.000 con cá quả. Sau 4 tháng, trọng lượng mỗi con đạt từ 0,3 kg trở lên và sắp đến ngày xuất bán. Ước tính khi thu hoạch, ao cá của ông sẽ đạt khoảng 6 tấn, với giá bán như hiện nay, ông sẽ thu nhập trên 200 triệu đồng, trừ các khoản chi phí (cải tạo ao, con giống, thức ăn, công chăm sóc…) ông vẫn còn lãi gần 60 triệu đồng.
Trong tình hình người nuôi cá da trơn và các loại cá bè khác đang gặp khó khăn, ông Việt quyết định chọn mô hình nuôi cá quả – loại cá rất thích hợp với nhu cầu tiêu thụ nội địa. Trước đó, ông đã từng chọn việc nuôi thả tôm, chăn nuôi dê… nhưng thực tế chưa mô hình nào cho hiệu quả cao và bền vững như nuôi cá quả.
Còn ở xã Hiếu Thuận huyện Vũng Liêm, mấy năm gần đây, phong trào nuôi trăn phát triển và mang lại thu nhập khá cao cho người dân. Hiện toàn xã có gần 80 hộ nuôi trên 3.000 con trăn, chủ yếu tập trung ở ấp Quang Mỹ. Theo bà con nông dân, trăn là loài động vật khá dễ nuôi. Lúc nhỏ trăn chỉ ăn chuột đồng, khi trọng lượng khoảng 3kg trở lên mới cho ăn thêm vịt con để tăng trọng nhanh. Thường trăn nuôi từ 6 – 7 tháng có thể xuất chuồng với trọng lượng mỗi con khoảng 6kg. Giá trăn trên thị trường đang dao động từ 130.000 đồng – 150.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi con trăn cho lợi nhuận trên 300.000 đồng.
Ngoài các lợi ích về kinh tế, nghề nuôi trăn còn góp phần tích cực trong việc tiêu diệt chuột phá hại mùa màng vì bình quân mỗi con trăn nuôi đến khi xuất chuồng phải ăn gần 300 con chuột lớn nhỏ. Để hỗ trợ phong trào nuôi trăn phát triển, Hội làm vườn tỉnh Vĩnh Long đã giải ngân 200 triệu đồng giúp cho 44 hộ mở rộng chăn nuôi chăn và tạo thêm việc làm cho người dân.
Tại xã Trà Côn huyện Trà Ôn, mô hình trồng cam sành cho trái nghịch mùa đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Phan Văn Dây. Mô hình này càng có ý nghĩa hơn khi hàng loạt vườn cam của nông dân ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình bị bệnh vàng lá, kém hiệu quả phải chặt bỏ hoặc nhiều hộ khác đang phá bỏ vườn cam để trồng lúa.
Từ năm 2002, ông Dây đã cải tạo vườn tạp, trồng cam sành và tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật của cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Với trang trại 3 ha cam sành đang cho trái, thu nhập bình quân của gia đình ông Dây đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Riêng năm 2007, nhờ xử lý kỹ thuật cho ra trái mùa nghịch thắng lợi nên ông đã thu hoạch 70 tấn trái, lại bán được giá, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn các năm trước…
Vĩnh Long đang khuyến khích nông dân đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng phải phù hợp với từng vùng thổ nhưỡng, phù hợp với quy hoạch sản xuất, chăn nuôi của từng tiểu vùng, tránh tình trạng phát triển sản xuất ồ ạt dẫn đến tình trạng “trúng mùa – dội chợ”, gây thiệt thòi cho bà con./.