ThienNhien.Net – Hiện nay, cuộc khủng hoảng lương thực và nhiên liệu thế giới ảnh hưởng không chỉ đến đời sống của người dân trên toàn thế giới mà còn đe doạ nghiêm trọng đến sự tồn vong của các cánh rừng nhiệt đới. Liên Hiệp Quốc cho biết hàng năm thế giới mất đi khoảng 13 triệu ha rừng, trong đó riêng khu vực Nam Mỹ mất khoảng 4 triệu ha.
Những phân tích từ bản đồ vệ tinh
Dựa vào một bản đồ được tạo ra từ các tấm ảnh vệ tinh, các nhà khoa học của Trường Đại học bang South Dakota (Mỹ) đã chỉ ra những diện tích rừng nhiệt đới bị tàn phá trong những năm gần đây. Trong đó cho thấy một nửa diện tích rừng bị tàn phá là ở Brazil.
Những tính toán chính xác thông qua tấm bản đồ này cũng cho thấy trong khoảng thời gian 5 năm, độ che phủ rừng của Brazil giảm khoảng 3,6%, Indonesia 3,4%, Mỹ Latinh 1,2%, các nước Châu Á khác là 2,7%, và Châu Phi là 0,8%.
Theo RRI – một liên minh quốc tế các tổ chức quản lý và bảo tồn rừng, nguyên nhân chính của tình trạng mất rừng hiện nay là do nhu cầu mở rộng đất sản xuất nông nghiệp. Các báo cáo của RRI cho hay, thế giới sẽ cần thêm tối thiểu 515 triệu ha đất vào năm 2030 để trồng lương thực, cây năng lượng và cây lấy gỗ. Nhưng thực tế thì Trái đất của chúng ta chỉ còn khoảng 200 triệu ha đất có thể chuyển thành đất sản xuất, còn nếu muốn mở rộng hơn nữa thì sẽ phải tìm đến các cánh rừng nhiệt đới.
Một nguyên nhân khác được đưa ra trong các bản báo cáo của RRI là sự yếu kém trong công tác quản lý và chuyển đổi sử dụng đất ở các nước đang phát triển. Đồng thời, biến đổi khí hậu với những tác động tiêu cực như hạn hán, cháy rừng cũng góp phần làm suy giảm diện tích rừng và diện tích đất sản xuất.
Cần một cuộc cải cách về quản lý
Nhu cầu về lương thực và nhiên liệu của thế giới vẫn tiếp tục tăng, thậm chí còn tăng ngày càng nhanh hơn. Trong khi đó, khả năng mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp thì có hạn.
Theo RRI: “Nếu các cao nguyên hiện nay vẫn duy trì được khả năng sản xuất thì việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu lương thực thế giới đến năm 2050 (khoảng 3 tỷ ha). Và hầu như toàn bộ diện tích mở rộng này nằm ở các nước đang phát triển”.
Một số nhà khoa học thì hy vọng vào những tiến bộ trong kỹ thuật nông nghiệp như biến đổi gen để tăng năng suất cây trồng. Nhưng từ khi những thành tựu kỳ diệu của cuộc Cách Mạng Xanh làm thay đổi ngành sản xuất nông nghiệp, thì đến nay những tiến bộ trong nông nghiệp dường như đang chững lại. Thậm chí ở nhiều nơi, năng suất còn bị giảm do những ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu.
Phá rừng nhiệt đới có thể tạo ra các vùng đất sản xuất nông nghiệp mới nhưng thay vào đó tình trạng biến đổi khí hậu sẽ trầm trọng hơn. Và như vậy, diện tích đất nông nghiệp mất khả năng sản xuất có thể còn nhiều hơn diện tích được mở rộng.
Giải pháp mà RRI đưa ra là tiến hành cải cách trong quản lý, quyền sở hữu và quyền sử dụng đất ở các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Gareth Thomas, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế Vương Quốc Anh đã phát biểu trong buổi công bố các bản báo cáo của RRI: “Những nghiên cứu mới của RRI sẽ tăng cường cho những quyết định mang tính toàn cầu, bảo vệ quyền sở hữu của các cộng đồng địa phương và bản địa, những người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các khu rừng nhiệt đới – một trong những thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú nhất của thế giới”.
Chỉ có bằng cách đảm bảo được quyền lợi của những người sống trong và xung quanh các khu rừng nhiệt đới, chúng ta mới có thể ngăn chặn được những ảnh hưởng của sự phá rừng do người nghèo.
RRI cũng đã phối hợp với một số quốc gia như Đông Phi để tiến hành các chương trình nhằm nâng cao năng lực quản lý nguồn tài nguyên đất và rừng cho những người dân bản địa – những người sống trong rừng.
Nhưng một vấn đề đặt ra hiện nay là: Ai sẽ là chủ sở hữu của những khu rừng đó – các quốc gia giàu có phương Tây, những nước đang muốn thu được các tín dụng cacbon hay những người dân sống trong rừng?
RRI cho biết khoảng 2/3 các cuộc xung đột của thế giới hiện nay liên quan đến vấn đề chiếm đoạt đất đai. Do đó, giải quyết một cách đúng đắn vấn đề sở hữu đất đai không chỉ có tác dụng bảo vệ rừng mà còn loại bỏ được những nguyên nhân gây ra các cuộc xung đột đẫm máu.