ThienNhien.Net – Ngày 13/08, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Việt Nam – Hàn Quốc về "Hợp tác nghiên cứu nội địa hóa nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam" do Viện nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) tổ chức. Đây là hoạt động nhằm học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc từng bước nội địa hoá các thiết bị, phụ tùng sau khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Theo các chuyên gia: Hàn Quốc đã thực hiện theo 3 bước sau: Lúc đầu tích lũy kinh nghiệm, ký hợp đồng theo phương thức “chìa khóa trao tay” cho các nhà cung cấp nước ngoài xây dựng nhà máy 1 và 2, nhà thầu trong nước chỉ tham gia thầu phụ trong một số phần việc giới hạn. Xây dựng nhà máy thứ 3 và 4, cả các nhà thầu trong và ngoài nước cùng thực hiện cho đến các nhà máy tiếp theo, Hàn Quốc đã có thể tự thực hiện được.
Tiến sĩ Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cơ khí cho biết: “Việt Nam hiện có 2 vấn đề còn yếu là chương trình nội địa hóa thiết bị nhà máy điện hạt nhân chưa được xây dựng hoàn chỉnh, chưa được chú trọng nhiều và chưa thực sự mạnh mẽ. Kế hoạch đầu tư cho các nhà máy rất rõ ràng và lớn gồm 11 nhà máy với công suất 11.000 MW nhưng chưa có mục tiêu cho việc lập kế hoạch. Hệ thống quản lý chất lượng không có hiệu quả hoặc có hiệu quả rất thấp đối với hầu hết các công ty trong nước. Tiêu chuẩn quốc tế chưa được áp dụng trong hầu hết các công ty đã khảo sát. Hầu hết các công ty này thiếu các chứng chỉ tiêu chuẩn sử dụng trong thiết kế và chế tạo thiết bị nhà máy điện hạt nhân”.
Việt Nam hiện có một thị trường rất lớn để có thể thực hiện việc nội địa hóa thiết bị nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân. Chính phủ cần đề ra các chính sách bảo hộ thị trường trong nước kết hợp với các chiến lược quốc gia của các ngành có liên quan như công nghiệp nặng, điện lực, hóa chất…
Một chương trình ưu tiên đặc biệt về thuế để thúc đẩy việc tham gia của các nhà sản xuất trong nước trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân cần được xây dựng. Chính phủ thành lập các công ty nòng cốt về tư vấn thiết kế, công nghiệp nặng để cung cấp thiết bị cho cả các nhà máy khác như xi măng, hóa chất, khai khoáng…và được hỗ trợ trong việc nhận chuyển giao công nghệ; lựa chọn gam nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân sau đó nhân rộng ra thành nhiều nhà máy tương tự.
Việt Nam cần trao đổi, tích lũy, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, xây dựng cơ quan thực hiện việc xây dựng kế hoạch, lập kế hoạch tự làm chủ và ký các hợp đồng chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và sau đó xây dựng các nhà máy tại Ninh Thuận giai đoạn từ năm 2014 đến 2023…