ThienNhien.Net – Tại An Giang, mô hình ao nuôi cá tra kết hợp ruộng lúa 2 vụ/năm đã khẳng định hiệu quả kinh tế và môi trường cần nhân rộng. Nước trong ao nuôi cá cá thải ra đưa lên ruộng tưới lúa giảm được 70% lượng phân bón lúa, năng suất lúa cao hơn lúa tưới nước và bón phân bình thường từ 0,7 – 1 tấn/ha vụ đông xuân và trên 0,6 tấn/ha vụ hè thu.
Mô hình này do anh Khưu Đức Hùng thực hiện thử nghiệm tại phường Mỹ Thới thành phố Long Xuyên năm 2005. Đây là mô hình đầu tiên ở An Giang và ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó, xã Phú Bình và một số xã ven sông Hậu ở huyện Phú Tân thực hiện mô hình này, nhưng không giảm lượng phân bón hoá học, cây lúa tăng trưởng rất tốt, do phát triển quá mạnh cây lúa bị ngã nên trổ bông ra bị lép hạt nhiều. Bà con cho rằng nước thải từ ao nuôi cá tra tưới lúa không hiệu quả, nên không áp dụng.
Tuy nhiên, một số nông dân tiếp tục thử nghiệm, vụ sau dùng nước thải từ ao nuôi cá tra tưới lúa và không bón phân hoá học, cây lúa cũng tăng trưởng xanh tốt và cho năng suất khá cao. Nông dân kiên trì thử nghiệm thêm vài vụ nữa kết hợp với phương thức bón phân theo bảng so màu lá lúa, lấy nước thải từ ao nuôi cá tra tưới lúa kết hợp bón thêm 1/3 lượng phân bón so với tưới nước bình thường, lúa xanh tốt và cho năng suất lúa cao hơn tưới nước bình thường từ 0,7- 0,9 tấn/ha rồi đến 1 tấn/ha ( giảm 70% phân bón hóa học do trong nước ao nuôi cá tra có lượng đạm rất cao). Vụ Đông Xuân 2007 – 2008, nông dân thực hiện mô hình này đạt năng suất 8,1 tấn/ha, vụ hè thu 2008 đạt năng suất 6,3 tấn/ha.
Qui trình nuôi cá sạch theo công nghệ mới phải thay nước ao nuôi cá liên tục thì thịt cá mới trắng (cá da trơn hấp thụ nước trực tiếp qua da). Mô hình cá- lúa mở ra tầm nhìn đến năm 2015 – 2020 về phát triển thuỷ sản bền vững của tỉnh An Giang. Mô hình này cần được nhân rộng các vùng đất cạnh sông Tiền và sông Hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần giữ sạch nguồn nước nuôi trồng thuỷ sản, đưa ngành nuôi cá tra đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững./.