ThienNhien.Net – Vườn quốc gia mũi Cà Mau đang bị xâm hại nặng nề và tiếp tục diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Văn Thắng, quyền Hạt trưởng Hạt kiểm lâm mũi Cà Mau cho biết, từ đầu năm đến nay đã phát hiện, xử lý 82 vụ vi phạm lâm luật, nhưng trên thực tế lâm phần, con số này còn lớn hơn nhiều và lâm tặc cướp phá tài nguyên rừng bằng những hình thức hết sức tinh vi, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Điểm nóng phá rừng nghiêm trọng nhất hiện nay là khu vực Xẻo Đôi thuộc xã Đất Mũi và cồn cát Trảng Sáo, xã Viên An. Dọc theo tuyến kênh xáng Xẻo Đôi, thật xót xa khi nhìn những gốc đước còn in nhát búa, dòng nhựa ứa ra, đọng lại tươi nguyên màu đỏ, hiện trường vẫn còn đó nhiều thân gỗ đước vừa chặt hạ do lâm tặc chưa kịp tẩu tán vì bị phát hiện, bỏ chạy.
Ông Thắng nói: “Chỉ trong thời gian trên dưới 15 phút là bọn chúng đốn hạ khoảng 10 cây đước đưa xuống xuồng máy biến mất. Nghiêm trọng hơn, khi chặt cây xong, chúng đưa xuống sông bó lại, tận dụng thùng mốp xốp đã hư bể cho vào bao rồi cột ở 2 đầu để bè cây không chìm hẳn xuống đáy, nổi ngầm dưới mặt nước và chỉ chờ thủy triều xuống là thả trôi ra cửa sông, đưa bè ngầm đến nơi an toàn, chuyển lên vỏ máy vọt đi.
Còn nữa, bọn lâm tặc sau khi đốn hạ cây, vận chuyển bằng cách cột chặt cặp hai bên thân vỏ máy và một người ngồi trước, một người ngồi sau thủ sẵn dao để khi gặp lực lượng tuần tra thì nhanh tay chặt dây cho bè gỗ chìm xuống sông, dễ bề tẩu thoát. Nếu phát hiện, lực lượng làm nhiệm vụ chỉ thu giữ bè cây, không chứng cứ bắt quả tang, tịch thu phương tiện vi phạm của đối tượng”.
Ngoài ra, không những người lớn mà trẻ em 14 – 15 tuổi cũng tham gia phá rừng. Chúng chặt cây cao khoảng 4 – 5 m cắt ra từng khúc đưa vào lò hầm than hoặc bán cho người có nhu cầu tiêu dùng với giá từ 10.000 – 20.000 đồng/cây tùy kích cỡ cây lớn hay nhỏ. Sự ma mãnh, tinh quái của đối tượng vi phạm tài nguyên rừng ở đây là không chặt cây với số lượng nhiều, quy mô lớn như trước đây đến mức có thể truy tố khi bị bắt mà phá rừng, vận chuyển lâm sản số lượng ít, không để bắt quả tang, nhưng âm ỉ theo hình thức “kiến tha lâu đầy tổ”, và nếu bị phát hiện thì cũng chỉ dừng lại đóng phạt, xử lý hành chính. Hệ lụy là rừng bị phá liên tiếp với số lượng lớn nhưng chưa được ngăn chặn.
Thực tế, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Vườn Quốc gia mũi Cà Mau còn quá nhiều những khó khăn, bất cập, lực lượng kiểm lâm tổ chức tuần tra, kiểm soát liên tục, nhưng khi kiểm tra tuyến trên thì rừng tuyến dưới bị mất và ngược lại.
Tổng diện tích Vườn Quốc gia mũi Cà Mau là 41.862 ha, gồm: 15.262 ha đất rừng và 26.600 ha vùng bảo tồn biển thuộc phạm vi hành chính các xã Đất Mũi, Viên an, huyện Ngọc Hiển và xã Đất Mới, huyện Năm Căn. Chiều dài quản lý rừng phòng hộ hơn 80 km, chiều ngang có nơi rộng từ 500 m đến hơn 3.000 m. Địa bàn rộng, kéo dài ven biển, kênh rạch chằng chịt, tạo nên hệ thống đường lưu thông phức tạp, rất khó kiểm soát.
Trên lâm phần Vườn Quốc gia mũi Cà Mau hiện có khoảng 2.000 hộ dân sinh sống, nhưng phần lớn đời sống của những hộ dân này thiếu công ăn việc làm ổn định, không phương tiện sản xuất, gần như sống dựa vào tài nguyên rừng, xâm hại khai thác trái phép nguồn lợi thủy sản trên vùng cấm bãi bồi. Mặt khác, cây gỗ, củi và than hầm hiện đang có giá khá cao trên thị trường, nhu cầu tiêu thụ lớn do tăng giá xăng dầu, gas đốt…
Hạt kiểm lâm mũi Cà Mau đã phát hiện và phá hủy hàng trăm lò hầm than hoạt động trái phép, nhưng tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, phá hủy hôm trước thì hôm sau các đối tượng đắp lại nhiều lò than hơn.
Một đối tượng chuyên nghề hầm than cho biết: than đước có giá trên dưới 5.000 đồng/kg, với lò than nhỏ sau 2 ngày đốt lò thu được hơn 40 kg, kiếm được khoảng 200.000 đồng. Họ biết chặt cây rừng hầm than trái phép là vi phạm pháp luật nhưng vẫn phải làm, vì thực tế cuộc sống hiện tại không còn cách nào khác hơn.
Trong khi đó, ngành Kiểm lâm Cà Mau gặp nhiều khó khăn trong khâu xử phạt vi phạm lâm luật theo Nghị định 159/CP của Chính phủ và đang bị các đối tượng phá rừng lợi dụng. Với nghị định này, vận chuyển lâm sản trái phép chỉ quy định gỗ mới xử phạt hành chính, tịch thu lâm sản, phương tiện… còn củi đốt, than hầm, lâm sản khác không được xử lý nên các đối tượng phá rừng chặt hạ cây hầm than và những hình thức tinh vi khác để biến gỗ thành củi, than hầm và nhiều thứ lâm sản khác vận chuyển mua bán nhưng không bị kiểm tra, xử lý như trước đây.