Đồng bằng sông Hồng sẽ chịu nhiều tác động của nước biển dâng

ThienNhien.Net – Theo một Báo cáo về tác động của biến đổi khí hậu đối với các thành phố ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới và Liên hợp quốc thực hiện, được công bố ngày 06/08, tác động của mực nước biển dâng cao do hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể là một thảm họa đối với Việt Nam, mà tác động lớn nhất sẽ xảy ra ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Mực nước biển dâng cao 5m sẽ gây tác động đến 16% diện tích đất đai, 35% dân số và 35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Vị trí và đặc điểm địa hình khiến Việt Nam trở thành một trong những nước chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới, từ bão, lũ lụt, hạn hán đến xâm mặn, lở đất và cháy rừng, trong đó xảy ra thường xuyên và gây tàn phá nhiều nhất là bão, lũ lụt. Trong những thập kỷ vừa qua, thiệt hại do thiên tai đã gia tăng trầm trọng và xu hướng này sẽ tiếp diễn vì theo dự đoán, biến đổi khí hậu sẽ làm biến đổi chế độ mưa bão hiện tại. Và phần lớn diện tích đất màu mỡ nhất của Việt Nam sẽ bị ngập chìm.

Theo những tính toán dự kiến về thay đổi dân số và sự phát triển, kể cả khi không có hiện tượng biến đổi khí hậu hay mực nước biển dâng, đến năm 2025, dân số Việt Nam cũng tăng thêm khoảng 60%; và giá trị thiệt hại do lũ lụt hàng năm có thể tăng gấp 10 lần, tương đương 5% GDP của Việt Nam.

Trong khi đó, dự báo mực nước biển dâng hầu như chắc chắn sẽ trở thành sự thật và do đó, nguy cơ nói trên sẽ càng cao hơn. Mực nước biển dâng từ 30 cm lên 1 m trong vòng 100 năm tới có khả năng gây thiệt hại lên tới 17 tỷ USD mỗi năm, nếu không có những biện pháp bảo vệ cần thiết.

Nguy cơ này không chỉ gia tăng ở các vùng duyên hải; trên thực tế sự nâng cao lòng sông và gia tăng ảnh hưởng của nước ngược cũng sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho các vùng đất mé trong sông và tổng diện tích bị lụt hàng năm có thể lên đến 40.000 km2.

 
Ảnh hưởng của nước biển dâng đến Đồng bằng sông Hồng. (Nguồn: BirdLife).

Những thay đổi trong chế độ mưa theo các kịch bản dự báo biến đổi khí hậu cũng sẽ khiến tình hình ngập lụt trở nên trầm trọng hơn. Hầu hết các mô hình khí hậu cho thấy tổng lượng mưa sẽ tăng.

Sự tập trung lượng mưa hàng năm ở Việt Nam vào một mùa mưa ngắn ngủi sẽ làm tăng độ nhạy của hệ thống với lượng mưa. Lượng mưa trong mùa mưa dự kiến sẽ làm tăng đáng kể lưu lượng đỉnh lũ và giảm tần suất lũ từ 100 năm xuống thậm chí còn 20 năm.

Liên quan tới công tác phòng chống lũ cho Hà Nội, báo cáo chỉ ra rằng, do biến đổi khí hậu và do sự tàn phá các cánh rừng ở thượng nguồn, vùng đồng bằng sông Hồng có nguy cơ xảy ra nhiều đợt lũ lớn hơn so với trận lũ lịch sử năm 1971.

Báo cáo cũng chỉ rõ những nguy cơ tiềm tàng đối với vùng Đồng bằng sông Hồng như tăng nguy cơ mực nước dâng; có thể phát sinh nhiều khó khăn khi điều tiết lưu lượng lũ; quá trình đô thị hóa đang phát triển nhanh cùng với tăng trưởng dân số cao càng tạo thêm nhiều áp lực cho công tác quản lý đê điều; công tác dự báo mưa, bão và lũ lụt còn hạn chế…

Tại Hà Nội, thành phố vẫn phải đương đầu với tình trạng ngập lụt nghiêm trọng khi lượng mưa vượt quá 100ml/h do hệ thống tiêu thoát nước ngầm cũ và công suất thấp; nhiều ao hồ và vùng đất trũng đã bị san lấp để xây dựng công trình và nhà ở, làm giảm khả năng phục hồi nguồn nước; sự bùng nổ của quá trình đô thị hoá khiến cho chất thải rắn không được xử lý một cách hiệu quả, gây ngập úng và ứ đọng tầng nước ngầm.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng đã gây ra những tác động hết sức nghiêm trọng lên các sinh cảnh tự nhiên và sự đa dạng sinh học, thậm chí dù là biến đổi nhỏ.

Báo cáo cũng khuyến nghị nhiều biện pháp thích ứng nhằm nâng cao khả năng phục hồi sau các tác động của thay đổi khí hậu, như: tích cực nâng cao các tiêu chuẩn phòng chống lũ nhằm hướng tới phát triển bền vững; nâng cấp hệ thống đê điều để bảo vệ bờ phải sông Hồng; giám sát chặt chẽ và ứng phó các tình huống khẩn cấp xảy ra với hệ thống đê điều thông qua tăng cường thể chế.

Ngoài ra, chính phủ và các cơ quan môi trường cần khẩn trương có kế hoạch nghiên cứu, xem xét những tác động lên sự đa dạng sinh học để có biện pháp thích hợp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.