Nhiên liệu sinh học: Phép màu hay ẩn họa?

ThienNhien.Net – Trong bối cảnh nguồn nhiên liệu trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt, nhiên liệu sinh học được giới thiệu rộng khắp như một phép màu để bảo vệ hành tinh của chúng ta cùng những người nông dân nghèo khổ ở các quốc gia kém phát triển. Từ Indonesia cho đến Brazin, khẩu hiệu mới đều là nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo nguồn nhiên liệu này sẽ là giải pháp lâu dài bởi nó tiềm ẩn nhiều hiểm họa đối với môi truờng.

Hiện nay, sản xuất nhiên liệu sinh học đang được sự ủng hộ của chính phủ nhiều nước trên thế giới, vì họ cho rằng đó là một trong những giải pháp quan trọng để giảm khí thải CO2, đồng thời nó cũng là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề nguồn nhiên liệu thô và giá dầu đang tăng cao.

Những cánh đồng nhiên liệu sinh học với các vụ mùa như ngô, cọ, mía… đang dần dần thay thế các cánh đồng lúa mì ở nhiều nơi trên thế giới. Các quốc gia đang dự trữ hàng triệu hécta đất để trồng các loại cây mới vì nhu cầu của cả thế giới là nguồn nhiên liệu sinh học. 

Tuy nhiên, như bao nguồn nhiên liệu khác, bên cạnh cái vẻ huy hoàng được coi là phép màu, nguồn nhiên liệu sinh học cũng có những mặt còn hạn chế. Đó là việc kéo theo tình trạng tàn phá rừng, sự chiếm đoạt đất đai, việc tăng giá lương thực và gây ô nhiễm.

Trong thời gian qua, việc sản xuất nhiên liệu sinh học đang bị phê phán là góp phần đẩy giá thực phẩm tăng cao, vì nhiều công ty sử dụng đất nông nghiệp để trồng cây có dầu phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học, thay vì trồng cây lương thực. Các nhà phê bình cũng cho rằng việc sản xuất nhiên liệu sinh học từ cây trồng đã khuyến khích nạn phá rừng lấy đất.

 
Những cánh rừng biến mất do gia tăng sản xuất nhiên liệu sinh học.

Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đến năm 2017, khoảng 14% đất trồng cây lương thực ở Mỹ, Canada và EU sẽ được sử dụng để trồng cây phục vụ cho sản xuất nhiên liệu sinh học, tăng 8% so với năm 2007. Theo OECD, tình hình đó có thể đẩy giá lương thực tăng khoảng 19%. OECD cũng nhận xét rằng, sản xuất nhiên liệu sinh học hiện nay ở Bắc Mỹ và EU chưa góp phần đáng kể vào việc làm giảm khí thải CO2.

Các quốc gia khác nhau sử dụng các nguồn nhiên liệu sinh học khác nhau, xếp loại thứ tự từ ngô ở Mỹ, cho đến mía ở Brazil. Nhưng trong tất cả chúng khan hiếm hơn cả là nguồn nhiên liệu sinh học dầu cọ, sản xuất chủ yếu ở Đông Nam Á. Indonesia và Malaysia được ước tính là có trữ lượng sản xuất dầu cọ lớn, khoảng 86% vào năm 2006, sau đó là Thái Lan, tiếp đến là quốc gia châu Phi Nigeria với lượng ít ỏi 2,1%.

Chính phủ hai nước Indonesia và Malaysia đều xem sản xuất dầu cọ là việc ưu tiên hàng đầu, cả về giá trị nhập khẩu và xuất khẩu, cũng như việc thay thế cho các sản phẩm khác như: bơ thực vật, xà bông, mỹ phẩm…. Tại hai quốc gia này, dầu cọ đang được sử dụng làm thức ăn chính, cũng như dùng làm dầu ăn cho cả 10 triệu người dân.

Tuy nhiên, một lo ngại lớn về giá cả dầu ăn làm từ cọ và vấn đề thiếu nguồn cung cấp nội địa đang diễn ra cũng bởi họ đã tập trung quá nhiều vào nguồn lợi nhuận thu được từ việc xuất khẩu dầu cọ.

Việc cung cấp dầu cọ chỉ là một trong những cuộc tranh cãi có liên quan đến nhiên liệu sinh học, thậm chí một cuộc tranh luận nhạy cảm hơn đó là giữa nhiên liệu và thực phẩm. Các quốc gia sản xuất nhiên liệu sinh học cần những dải đất rộng để trồng cây phục vụ cho sản xuất với mục đích thương mại.

Chính phủ Indonesia đã trích ra khoản dự trữ 110 triệu USD hỗ trợ nông dân để họ có thể sản xuất nhiều mùa vụ nhiên liệu hơn. Theo thủ tướng nước này, niềm hy vọng của ông là tạo ra 5 triệu việc làm mới trong ngành công nghiệp dầu cọ và giải quyết tình trạng thất nghiệp cũng như thiếu nguồn nhân lực trong nước.

 
Dầu cọ đang là mặt hàng có giá trị cao ở châu Á để sản xuất nhiên liệu sinh học. (Ảnh: AFP).

Nhưng mong muốn của chính phủ Indonesia dành ra hàng triệu ha đất để trồng cọ và mía xuất khẩu sẽ khó thành hiện thực bởi số đất ấy đang được sử dụng để trồng cây lương thực nuôi sống người dân.

Bản thân một giám đốc một Công ty dầu khí châu Á có trụ sở tại Thái Lan, ông Arif Hasyim đã phải tự vấn rằng liệu có nên xem xét việc tạo nguồn nhiên liệu sinh học cho xe ôtô không khi mà nó đang có sức cạnh tranh với thực phẩm.

Cuối năm 2007, một tổ chức xã hội của Mỹ thậm chí đã lên án rằng việc tăng mùa vụ luân canh cho nhiên liệu sinh học là phi nhân đạo bởi vì nó gây ra tình trạng thiếu lương thực, làm cho giá thực phẩm tăng cao, và đẩy hàng trăm triệu người dân nghèo vào tình trạng đói kém.

Ông Jean Ziegler, một chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về lương thực, đã kêu gọi thời kỳ hoãn nợ 5 năm cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học, chuyển sang hỗ trợ các nhóm hoạt động môi trường và nhân quyền. Ông cho biết trong vòng 5 năm nhiên liệu sinh học có thể được tạo ra chính là từ phế thải nông nghiệp nhiều hơn là trồng mùa vụ.

Cuộc tranh cãi về vấn đề có nên tuyên bố hoãn nợ cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học hay không vẫn còn tiếp tục diễn ra cam go. Những bằng chứng mới về sự gây hại đến môi trường trái ngược hoàn toàn với những lợi nhuận mà nhiên liệu sinh học đem lại.

Một số phân tích cho rằng việc hoãn nợ sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người nghèo ở những quốc gia đang phát triển từ Nam Mỹ cho đến châu Á, vì nó cũng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lương thực. Việc trồng cây nhiên liệu sinh học đã làm đất bị suy thoái và ô nhiễm, khó có cây trồng nào có thể phát triển được trên những vùng đất đó.