ThienNhien.Net – Một bản tham luận trong Tuần lễ Nước Thế giới diễn ra tại Stockhom vừa qua cho biết một số lượng lớn lương thực đã bị thải bỏ một cách phí phạm trong quá trình chế biến, vận chuyển, trong các siêu thị và trong nhà bếp. Sự lãng phí đó không chỉ là nhân tố tạo ra nước thải mà còn là sự lãng phí nước – nguồn tài nguyên quan trọng nhất đối với sự sống.
Theo các bản tham luận của Viện Nước Quốc tế Stockholm, Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Viện Quản lý nước Quốc tế (IWMI), cuộc khủng hoảng lương thực gần đây không chỉ là cuộc khủng về sản xuất mà còn là cuộc khủng hoảng về chất thải thực phẩm.
“Lượng lương thực, thực phẩm mà chúng ta sản xuất ra thừa đủ để nuôi sống dân số thế giới. Nhưng sự phân phối và quyền sử dụng chúng mới là vấn đề đáng bàn. Trên thế giới hiện vẫn còn rất nhiều người bị đói, nhưng đồng thời cũng có rất nhiều người bị thừa cân”. Bản tham luận cũng nêu lên một thực tế là hiện nay chúng ta sản xuất lương thực không phải chỉ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà còn là phục vụ thói quen lãng phí thực phẩm.
Tiến sĩ Charlotte de Fraiture, một nhà nghiên cứu tại Viện Quản lý nước Quốc tế (IWMI) cho biết: “Khoảng một nửa lượng nước dùng để sản xuất lương thực, thực phẩm đang từng ngày bị mất đi hay trở thành chất thải do thói quen lãng phí của con người. Việc hạn chế tối đa sự lãng phí, đồng thời cải thiện hệ thống cung cấp nước sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp cũng như cải thiện tình trạng hiện nay của các hệ sinh thái và những người dân đang bị đói trên toàn thế giới”.
Các nghiên cứu cho thấy, lương thực có thể bị lãng phí trước hoặc sau khi đến tay người tiêu dùng. Ở các nước nghèo, phần lớn lương thực bị mất mát trước khi nó được sử dụng. Khoảng 15 – 35 % lương thực bị thất thoát trên các cánh đồng, khoảng 10 – 15 % bị mất mát trong quá trong chế biến, vận chuyển và lưu giữ. Còn ở các nước giàu, quá trình sản xuất hiệu quả và năng suất cao hơn. Vì vậy, lương thực, thực phẩm ít bị thất thoát hơn, nhưng ngược lại, chúng lại bị sử dụng lãng phí nhiều hơn. Người ta sử dụng thức ăn một cách lãng phí mà không biết rằng họ đang lãng phí tiền bạc của chính mình, lãng phí các nguồn tài nguyên đã được sử dụng để sản xuất, vận chuyển, chế biến số lương thực đó, trong đó có tài nguyên nước.
Hoa Kỳ là một ví dụ cho thấy sự lãng phí lương thực, thực phẩm ở các nước giàu. Hàng năm hơn 30% lượng lương thực, trị giá khoảng 48,3 tỷ USD bị lãng phí. Điều này cũng giống như việc chúng ta đang đổ đi 40 nghìn tỷ lít nước – lượng nước có thể cung cấp cho hơn 500 triệu người.
Bản tham luận “Tiết kiệm nước: Từ Cánh đồng đến Bàn ăn – Hạn chế mất mát và lãng phí trong sản xuất lương thực, thực phẩm” đã yêu cầu các chính phủ đến năm 2025 phải giảm khoảng 50% lượng lương thực bị lãng phí, đồng thời phải đề ra được lộ trình để đạt được mục tiêu này.
Thông qua thương mại quốc tế, việc tiết kiệm lương thực ở quốc gia này có thể đem lại lợi ích cho những cộng đồng quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia nghèo.
Tiến sĩ Pasquale Steduto của FAO cũng cho biết: “Trong tương lai nước sẽ là yếu tố hạn chế chính đối với việc sản xuất lương thực nếu chúng ta không chịu thay đổi các thói quen lãng phí của mình”.
Không chỉ gây lãng phí nước, lãng phí lương thực, thực phẩm còn tạo ra lượng lớn chất thải thực phẩm, một nguồn sinh ra khí mê-tan, góp phần vào biến đổi khí hậu gấp 21 lần khí CO2.
Giải thưởng Nước Stockhom là một giải thưởng quốc tế được thành lập vào năm 1990 và được Quỹ Nước Stockholm trao hàng năm cho các các nhân, tố chức hay các Viện nghiên cứu về những hoạt động nổi bật liên quan đến nguồn nước. Đó có thể là các họat động đào tạo, nâng cao nhận thức, các nghiên cứu, mô hình quản lý nguồn nước hoặc các hình thức hỗ trợ khác liên quan đến việc bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này. |
Với việc đề xuất ra khái niệm “nước ảo”, giải thưởng Nước Stockhom 2008 đã được trao cho giáo sư John Anthony Allan, đến từ trường Cao đẳng Hoàng gia Luân Đôn. “Nước ảo” là một phép đo để tính toán lượng nước có trong lương thực và các sản phẩm tiêu dùng được đưa vào qua quá trình sản xuất, vận chuyển và buôn bán. Trong khi nghiên cứu về sự khan hiếm nước ở Trung Đông, Giáo sư Allan đã phát triển thuyết “nước ảo” trong quá trình xuất nhập khẩu.
Thuyết “nước ảo” Giáo sư Allan giải thích rằng, hằng năm các quốc gia như Hoa Kỳ, Argentina và Brazil đã xuất khẩu hàng tỷ lít nước mỗi năm, trong khi các quốc gia khác như Nhật Bản, Ai Cập và Italy lại nhập khẩu hàng tỷ lít nước. Khái niệm “nước ảo” đã mở ra những cách tiếp cận mới giúp cho việc sử dụng nước một cách hiệu quả hơn.
Có thể thấy rằng việc tăng cường hiểu biết về các vấn đề liên quan đến thương mại và quản lý nguồn nước ở quy mô địa phương, vùng cũng như trên toàn thế giới là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo việc sử dụng nguồn tài nguyên nước một cách bền vững.