Thiennhien.Net – Mạng lưới Hành động Basel (BAN) và Liên hiệp thu gom chất thải điện tử (ETC) đã đưa ra một nghị quyết yêu cầu Mỹ cùng với nhiều quốc gia khác trên thế giới đưa ra lệnh cấm xuất khẩu các chất thải điện tử độc hại đến các nước đang phát triển. Nghị quyết sẽ là tiền thân cho các chính sách pháp luật về vấn đề này trong tương lai.
Sự phát triển công nghệ đã để lại một khối lượng khổng lồ các chất thải điện tử độc hại. Rất nhiều người không biết rằng trong các đồ điện tử bị thải đó có rất nhiều các kim loại nặng như chì, thủy ngân, và các chất độc khác. Nhưng chúng đã được thu nhặt lại và xuất sang các nước đang phát triển như một loại hàng hóa.
Đặc biệt khi công nghệ truyền hình Kỹ thuật số ra đời, hàng triệu màn hình ti vi đã trở nên lỗi thời và bị thải đi. Nhưng ngay lập tức chúng trở thành món hàng xuất khẩu sang các nước đang phát triển.
Các nhà nghiên cứu cho biết, trong bóng đèn hình (CTR) của ti vi có thể chứa tới 3,63 kg chì, những chiếc ti vi màn hình phẳng còn chứa cả thủy ngân. Những kim loại nặng đó kết hợp với nhiều chất độc hại khác chứa trong các chất thải điện tử khi được xuất khẩu sẽ gây hại cho các nước đang phát triển, đặc biệt là những người công nhân hoặc lao động thủ công trực tiếp tiếp xúc với chúng trong điều kiện không được bảo hộ an toàn.
Thực tế, một phần lượng chì trong chất thải điện tử xuất khẩu của Mỹ đã quay trở lại chính nước này dưới dạng đồ chơi dành cho trẻ em do Trung Quốc xuất khẩu sang.
Sarah Westervelt , đại diện của BAN cho biết: “Lệnh cấm xuất khẩu chất thải điện tử sang các nước đang phát triển đã buộc Mỹ cũng như các nước phát triển khác ngay lập tức phải ngăn chặn ngành thương mại độc hại này”.
ETC cũng nhấn mạnh rằng: “Hành động xuất khẩu những chất thải độc hại này không chỉ làm hại cộng đồng dân cư nghèo mà còn làm suy yếu ngành công nghiệp tái chế trong nước. Do đó, lệnh cấm này thực sự là một quyết định đúng đắn”.
BAN đã từng thể hiện quan điểm của mình về vấn đề xuất khẩu chất thải điện tử không chỉ bằng các bản báo cáo nghiên cứu mà họ còn xây dựng một bộ phim mang tên “Xuất khẩu chất độc”, được ra mắt năm 2002.
Năm 2007, bang Washington, Mỹ đã thông qua Luật Chất thải điện tử, nhưng luật này không đảm bảo cho việc chất thải điện tử sau khi được thu gom có bị xuất khẩu sang nước ngoài hay không. Hy vọng Chính phủ Mỹ cũng như các nước khác sẽ đưa ra được những chính sách pháp luật có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ, góp phần ngăn chặn vấn đề này sau lệnh cấm xuất khẩu các chất thải điện tử độc hại.
Quốc hội Mỹ cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với lệnh cấm xuất khẩu chất thải điện tử này. Do đó, các nhà sản xuất Mỹ cũng phải bắt đầu làm quen với việc chịu trách nhiệm về những sản phẩm của họ bằng cách tiến hành chương trình thu gom miễn phí.
Hãng SONY là một ví dụ điển hình, hãng đã cho phép khách hàng thải các sản phẩm (sau khi sử dụng) vào nhà kho thu gom của công ty. Những đồ điện tử hỏng sau khi được thu gom ở đây sẽ được chuyển về nhà máy để tái chế. Hiện nay, SONY là nhà sản xuất duy nhất đã ký kết với BAN và ETC về việc ngăn cấm xuất khẩu chất thải điện tử sang các nước đang phát triển.