Bắc bộ: Bão vừa qua, áp thấp lại tới

ThienNhien.Net – Hàng chục nghìn nhà dân chỉ còn trông thấy nóc. Hàng nghìn hécta lúa, hoa màu đã bị chìm trong biển nước. Hàng nghìn gia súc bị lũ cuốn trôi. 145 người chết và mất tích… Đó là thảm cảnh trong những ngày mưa lũ vừa qua do ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 4 gây ra cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, những thiệt hại chưa kịp khắc phục hết thì lo ngại về một đợt mưa mới lại xuất hiện, rất có thể sẽ là lũ chồng lũ.

Có thể nói, đây là trận lũ lịch sử, lớn nhất trong vòng hai chục năm qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Thiệt hại nặng nề nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ…Ngoài ra, ảnh hưởng của bão số 4 cũng gây ra mưa to trên diện rộng ở các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lai Châu, Lạng Sơn, làm thiệt hại nhiều về người và của.

Các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ đội Biên phòng đang cùng địa phương chỉ đạo chống lũ và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai.

Bộ trưởng NN-PTNT – Trưởng Ban Chỉ đạo PCLBTW Cao Đức Phát và Thứ trưởng Đào Xuân Học – Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo PCLBTW đã tới các địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác.

Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) huy động các đơn vị tập trung mọi phương tiện, lực lượng khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1294/CĐ-TTg ngày 09/08/2008.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo lực lượng Biên phòng 8 tỉnh biên giới phía Bắc từ Sơn La đến Quảng Ninh tập trung lực lượng tham gia xử lý các tình huống, giúp dân di dời, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã huy động 300 cán bộ chiến sĩ tham gia cùng các lực lượng tại địa phương tổ chức tìm kiếm cứu nạn được 37 người và giúp di dời 40 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Ngay từ đầu giờ sáng 10/08, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tư lệnh quân khu 2, đồng chí Đặng Đình Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã tới hiện trường chỉ đạo việc khắc phục sự cố vỡ 20 mét đê Bối ở thị trấn sông Thao, huyện Cẩm Khê, tìm kiếm cứu nạn, triển khai sơ tán dân.

Quân khu 2 đã điều động gấp một tiểu đoàn bộ đội cùng dân quân tự vệ và nhân dân địa phương mang hàng ngàn bao tải đất, hàng trăm cọc tre để cấp tốc đắp đê chống lũ. Đến 13 giờ ngày 10/08, đoạn đê vỡ đã cơ bản được gia cố an toàn.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Quảng Ninh trực tiếp chỉ đạo các địa phương, các cấp, các ngành và các lực lượng vũ trang triển khai các phương án phòng chống lũ. Mọi lực lượng được huy động để sơ tán dân, tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Đến hôm nay, lũ trên các triền sông vùng thượng lưu sông Thao vẫn ở mức rất cao, hầu hết đều trên báo động 3. Công tác cứu hộ, cứu nạn còn gặp nhiều khó khăn vì nhiều tuyến đường vẫn đang bị chia cắt, thông tin di động nhiều nơi vẫn còn mất liên lạc.

 
Hình ảnh về đợt áp thấp nhiệt đới gần bờ đang hình thành trên khu vực Vịnh Bắc bộ. (Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương).

Trong khi lũ chưa qua, con số thiệt hại chưa dừng lại thì một mối đe dọa mới lại xuất hiện, đó là dải áp thấp nhiệt đới hình thành trên khu vực Vịnh Bắc bộ.

Theo thông tin mới nhất của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 11/08, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,2 đến 20,2 độ vĩ Bắc; 107,1 đến 108,1 độ kinh đông, cách bờ biển Thái Bình – Thanh Hoá khoảng 200 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật trên cấp 7.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió xoáy mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Với hướng di chuyển thẳng tiến vào miền Bắc, đem theo những xoắn mây đối lưu lớn và đậm đặc, có khả năng từ đêm 11/08, các tỉnh Bắc bộ lại có mưa lớn. Đến trưa, chiều ngày 12/08, mưa lớn cũng có thể xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây sẽ là hiểm họa đối với những vùng đang có lũ.

Vì vậy nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối miền núi các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang là rất lớn.

Với vùng hạ du lưu vực các hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, trong khi nước còn lên rất mạnh, gặp mưa lớn, chắc chắn sẽ nhiều nơi bị ngập. Các chuyên gia khí tượng thủy văn còn lo ngại, không loại trừ khả năng kịch bản về trận lũ lịch sử năm 1971, làm vỡ nhiều tuyến đê, khiến cả vùng núi cũng như đồng bằng Bắc bộ ngập chìm trong nước lũ.

Trước diễn biến đó, ngay trong sáng ngày 11/08, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp giao ban bàn biện pháp tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ đang diễn ra, trong đó công tác cứu hộ cứu nạn phải thực hiện đầu tiên, đồng thời chuẩn bị ứng phó với diễn biến mới của thời tiết.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ GTVT đến sáng ngày 12/08, phải thông tuyến Quốc lộ 70. Ngoài tăng cường vận chuyển lương thực, thuốc men, cũng phải vận tải người, đặc biệt là những trường hợp khẩn cấp cần được cứu chữa, không chỉ cả người Việt Nam, mà cả khách du lịch nước ngoài.