Ghé xóm “điên”, xem “chảy máu” quặng

ThienNhien.Net – Khi mà việc “săn” quặng hay mỏ đá đang “nóng” ở nhiều huyện miền núi tỉnh Nghệ An thì mấy tháng nay tại xã Thanh Lâm ( huyện Thanh Chương) việc một số ông chủ bỏ ra vài triệu đồng, có khi là hàng trăm triệu đồng “mua” một phần vườn của nhiều chủ hộ để khai thác quặng sắt trái phép khiến cho môi trường bị xâm phạm, “máu quặng” vẫn chảy không ngừng. Trong vai một tay đi mua quặng, ghé qua xóm “điên” Eo Sơn mới thấy “vàng đen” vung vãi khắp nơi và nhiều góc núi tơi tả trơ khấc màu đất đỏ choạch…

Ghé “xóm điên”…

Hơn một lần, chúng tôi đến Thanh Lâm. Đây là xã miền núi, mỗi năm chỉ có một vụ lúa. Người dân luôn đối diện với cái đói và cảnh lụt lội. Nên khi nghe tin có quặng sắt, chúng tôi cứ nghĩ nơi đây sẽ đổi thay. Lần trước cách nay chừng hơn năm là về xóm Eo Sơn. Tên xóm đọc uốn cả lưỡi, khó nhọc như “căn bệnh” mà người dân nơi đây mắc phải.

Nhiều người quen gọi đây là xóm “điên” hay xóm “tâm thần” vì xóm có nhiều người mắc bệnh “khác người”. Xóm chỉ vỏn vẹn có 32 hộ dân với gần 200 nhân khẩu nhưng có đến hàng chục người mắc bệnh. Thảm thiết thay có gia đình 3 người thì đều mắc bệnh cả 3. Mặc dù chữa trị khắp nơi nhưng rồi cũng chứng nào tật ấy. Trong đó người “thích” hát rêu rao khắp làng cũng đến xấp xỉ mười người. Có nhà thì con cái lúc nào cũng ngơ ngơ ngáo ngáo chẳng biết làm việc chi. Ghé lại nhà bà Hồ Thị Tỵ (61 tuổi) so với cách đây gần một năm bà tiều tụy lắm. Người nhà bảo: “Mấy tháng nay bà yếu đi nhiều. Chẳng buồn “chơi”…”. Nhà bà vẫn căn nhà tranh xác xơ, trong nhà cáu bẩn, chẳng có cái gì đáng giá. Nhà bà có 3 người đều mắc chứng bệnh “khác người” hàng chục năm nay.

Điều dễ nhận thấy là ở xóm “điên” thấy nhiều nhà văng vắng. Cửa đóng then cài, lạnh lùng. Dọc đường không còn bắt gặp cảnh người vừa đi vừa nhảy hay ngồi bó gối nhìn dáo dác nơi mé sông. Trong khi danh sách người bệnh không hề giảm. Vậy họ đã đi đâu?

Câu hỏi nghĩ mà thấy xót xa. Đến đây hỏi nhà T.K ai cũng mừng. Nhà em có 4 chị em, 3 gái 1 trai. Lúc K đang học năm thứ 2 của một trường đại học ở Hà Nội thì em mắc bệnh. Việc học bị dừng dở chừng, K được bảo lưu để về quê chữa bệnh. Trải qua nhiều lần chữa trị, K đã tiếp tục đi học và hiện đã ra trường đang chờ việc làm. Kế K đứa em gái xinh xắn học giỏi cũng không kém. Năm em học được kỳ 1 lớp 12 cũng mắc bệnh như chị, nói năng không được đúng lúc đúng chỗ. Sau khi được chữa bệnh năm nay lần thứ 2 em lại tiếp tục thi đại học. Dạo đó việc trong một thời gian ngắn khiến nhiều người mắc bệnh khiến người dân nơi đây dáo dác, lo lắng nghĩ đến nhiều nguyên nhân khác nhau.

 
Quặng nằm ngổn ngang bên đường vào Quần Hội.
 
Những tảng quặng chưa được vận chuyển tại nhà ông Hán.

“Nước sinh hoạt ở đây có vấn đề” là kết luận mà cơ quan chức năng cho biết. Lượng sắt trong nước quá cao. Chỉ biết thế chứ, người dân nơi đây không hề nghĩ là mình đang ở bên cạnh “mỏ sắt” khổng lồ. Và không hiểu gần đây nhiều ông chủ về xóm cạnh bên bỏ ra dăm triệu có khi là trăm triệu đồng để mua nhiều mảnh vườn của dân rồi cho máy đào lấy quặng. Xóm “điên” lại chứng kiến một căn bệnh mới: Bệnh “chảy máu” khoáng sản!

…Xem “chảy máu” quặng

Xóm Eo Sơn ngăn cách với xóm Quần Hội của xã Thanh Lâm bằng cây cầu ông Tiếu hay còn gọi là cầu Nhẳng. Đường đi khó nhọc hơn vì những ổ gà đọng nước – dấu tích của những chuyến xe chở quặng sắt ra khỏi xóm. Hai bên đường những tảng quặng to sụ nằm chông chênh. Ông Tiếu – người có tên trùng với tên cây cầu ở đầu xóm cho hay: “Họ đến mua một góc vườn sau nhà được mấy triệu mô. Được cái họ làm cho tui cái con đường. Trước đây để đưa được lúa vào nhà khó khăn lắm. Nào tui có biết quặng chi!”. Chính việc không biết quặng sắt là gì nên một khi có người ngõ ý mua lại với giá vài triệu, dân đồng ý ngay. Nhưng với điều kiện là khi khai thác phải để “bùn” lại. Vậy nên dân có lợi vừa được tiền, địa hình lại được cải thiện.

 
“Dân cho rằng đất của họ nên có quyền sử dụng”
Ông Phan Xuân Diệu – Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm (Thanh Chương-Nghệ An): “Ở xã tôi có mỏ Võ Nguyên có quặng sắt nên cách đây mấy năm cũng có nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị khai thác. Năm 2008 một số hộ dân ở xóm Quần Hội họ có đơn lên xã xin phếp cải tạo vườn. Nhưng sau đó có một số doanh nghiệp đã mua để khai thác quặng sắt. Nhiều hộ dân cho rằng đó là đất của họ nên có quyền sử dụng chứ không biết có quặng là tài sản của Nhà nước. Vậy nên chúng tôi đã đình chỉ việc khai thác trái phép trên. Rút kinh nghiệm, chúng tôi cũng đề nghị ngành chức năng cần quy hoạch và cho khai thác một cách bài bản hơn…”.

Tôi qua nhà ông Hán trong vai một doanh nghiệp đi săn quặng ở TP Vinh lên. Vườn nhà ông Hán chẳng khác nào một công trường. Đất đá, cây cối nằm ngổn ngang như vừa trải qua một cuộc mổ xé, khoét núi. Mọi thứ được xới tung. Màu đỏ choạch của đất trơ khấc cả một vùng. Đây là gia đình mà trước khi tôi đến nơi, người dân kháo chuyện là bán được hàng trăm triệu đồng. “Làm chi có. Tui chỉ thuê họ cải tạo vườn thôi. Vì vườn nhà tui cao quá so với nền nhà…”, ông Hán dè dặt. Nhưng khi tin chúng tôi là doanh nghiệp mua quặng sắt, ông Hán dẫn chúng tôi “tham quan”. Ông bảo: “Quặng ở đây tốt lắm. Chỉ một tảng nhỏ cũng phải mấy người rinh…”.

Tại “công trường” của ông Hán còn sót lại rất nhiều tảng quặng đồ sộ mà phía công ty nọ chưa vận chuyển đi được. Cũng theo ông Hán thì doanh nghiệp đó ở Nghĩa Đàn, ông chủ tên Thái. Phía công ty này đưa máy lên làm cách đây gần hai tháng, và đã chở được rất nhiều xe quặng ra khỏi xóm. Còn việc đi đâu ông không hề biết. Hỏi con số thực mà phía doanh nghiệp này mua, ông Hán chỉ ậm ừ, chẳng nói chi. Hỏi giấy phép từ phía doanh nghiệp và tại sao ông lại bán quặng, ông Hán chống chế: “Tôi chỉ làm đơn lên xã xin thuê cải tạo vườn chớ nào có bán quặng”.

Theo điều tra của chúng tôi, cũng như nhiều hộ dân khác nấp dưới danh danh nghĩa là làm đơn “cải tạo vườn” họ đã làm hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân để đào quặng sắt “chui”. Việc làm này ít nhất đã “qua mặt” được chính quyền sở tại.

Không riêng gì ông Hán, ông Tiếu mà nhiều gia đình nơi đây cũng “xiêu lòng” trước sự dụ dỗ của doanh nghiệp bằng tiền. Họ không biết rằng mình đang bán đi “tài sản quốc gia”.

Lợi về đồng tiền chẳng biết đến đâu, nhưng việc các doanh nghiệp “mua” lại một số diện tích vườn của dân để đãi quặng vô hình trung đã làm biến dạng môi trường, môi sinh. Môi trường sống của người dân đang bị đe doạ mà họ vẫn không hay và chính quyền địa phương vẫn chưa tìm được biện pháp xử lý hữu hiệu.