ThienNhien.Net – Dự án khai thác bô-xít do một công ty khai thác khoáng sản hàng đầu của Anh – Vedanta Resourses – tiến hành đang có nguy cơ làm biến mất một trong những bộ lạc vùng cao xa nhất của thế giới – bộ lạc Dongria Kondh thuộc khu vực rừng già vùng đồi núi Niyamgiri thuộc bang Orissa, Đông Ấn Độ. Đó còn là khu vực có đa dạng sinh học cao, nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm, là nơi bảo tồn thiên nhiên hoang dã.
Dự án này khiến Vedanta Resourses – một trong những tập đoàn khai thác khoáng sản lớn nhất thế giới được điều hành bởi nhà tỷ phú gốc Anh – Anil Agarwal, đối đầu với Dongria Kondh – một bộ lạc với khoảng 8.000 người sinh sống ở vùng Orissa, Ấn Độ.
Người Kondh là một trong những dân tộc sống cách biệt nhất ở Ấn Độ. Họ tin vào những thầy lang phù thủy và việc hiến tế động vật tàn bạo cũng như tôn thờ những ngọn núi, những cánh rừng nơi mình sinh sống.
Vedanta muốn mở một mỏ lộ thiên lớn để khai thác bô-xit (nguyên liệu để sản xuất nhôm) trong vùng đất của bộ lạc. Và người Kondh phản đối việc làm này vì nó không chỉ vĩnh viễn phá hủy ngọn núi tôn kính của họ mà còn cả một mảng rừng nhiệt đới rộng lớn xung quanh – đây là khu vực rừng có đa dạng sinh học bậc nhất tại Ấn Độ, là nơi cư trú của loài tắc kè vàng, một loài động vật quý hiếm bên cạnh đó nó còn là nơi cư trú của voi, hổ, báo. Không những thế, khu vực dễ bị hạn, thuộc một trong những vùng nghèo nhất Ấn Độ. Ngọn núi này là nguồn cung cấp nước của sông Bansadhara và một khu bảo tồn voi đang được đề xuất, đồng thời là nguồn nước thiết yếu cho sinh hoạt và tưới tiêu của các khu vực xung quanh.
Theo nhà hoạt động người Kondh – Jitu Jakeskia, núi Niyamgiri là vị thần của họ. “Đây là ngôi đền thiêng liêng nhất của người Kondh và đó là lý do vì sao chúng tôi tôn thờ thiên nhiên và phải bảo vệ nó”. Hàng nghìn người đã tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng với bất cứ ai đặt chân lên mảnh đất của họ.
Tòa Tối cao Ấn Độ sẽ là nơi giải quyết tranh chấp này, họ sẽ xem xét việc liệu Sterlite – công ty con của Vedanta – có được tiến hành dự án hay không.
Vedanta cho rằng khu vực này chỉ là một phần nhỏ trong vùng đất truyền thống của người Kondh và cam kết sẽ trả nó về nguyên trạng tự nhiên sau khi việc khai thác hoàn tất. Họ cũng cam kết sẽ đem lại cuộc sống tốt hơn cho cư dân của bộ lạc này thông qua các điều kiện chăm sóc y tế, vệ sinh và giáo dục. Đây là một khu vực rất nghèo, nơi mà nhiều người đã chết vì không tránh được bệnh tật và thậm chí họ đã bán con để mua thức ăn.
Công ty này tuyên bố đầu tư của họ sẽ giúp hàng nghìn người thoát khỏi đói nghèo. Người phát ngôn của Vedanta cho hay, họ đã xây dựng trường học, đường sá, trạm y tế và bệnh viện trong vùng, và dạy cho người nông dân gia tăng sản xuất. Đồng thời, người phát ngôn này cũng cho biết thêm các thông tin về nhiều giải thưởng cho các chương trình phát triển bền vững mà Vedanta giành được.
Tuy nhiên, họ đã vấp phải những chỉ trích và trừng phạt nặng nề từ các bên liên quan bởi dự án phá huỷ môi trường trầm trọng này đồng thời làm mất đi bản sắc của một bộ tộc trên thế giới.
Tổ chức nhân quyền Survival International ở London đã thúc ép những cổ đông của Vedanta tại Anh bao gồm Standard Life, ngân hàng Barclays, ngân hàng HSBC và Hội đồng Middlesbrough and Wolverhampton “ngừng đầu tư cho tới khi Vedanta từ bỏ kế hoạch của họ”.
Na -uy cũng loại bỏ công ty này ra khỏi nguồn đầu tư trợ cấp quốc gia và tuyên bố đó là “một sự liều lĩnh không thể chấp nhận được khi đồng lõa với việc gây thiệt hại môi trường nghiêm trọng và vi phạm quyền con người”.