ThienNhien.Net – Phí chi trả dịch vụ môi trường rừng (MTR) là loại phí nhằm thực hiện xã hội hoá nghề rừng, để bảo vệ, phát triển rừng cùng các hệ sinh thái. Đặc biệt là bảo vệ nguồn nước cho việc sản xuất điện, nước sinh hoạt và hoạt động du lịch. Việc tạo ra dịch vụ chi trả môi trường rừng là một điều cần thiết, nhằm nâng cao công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Theo quyết định 380/QĐ-TTg, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 10/04/2008 (có hiệu lực từ ngày ký và có 2 năm thí điểm), phí chi trả dịch vụ MTR sẽ được thực hiện thí điểm tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Sơn La nhưng có ảnh hưởng thi hành đến nhiều tỉnh thành như Lâm Đồng, Sơn La, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hoà Bình và thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Sau 2 năm thực hiện thí điểm, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện chính sách chi trả dịch vụ MTR để áp dụng chung trên phạm vi cả nước. Các loại rừng được dự định áp dụng chi trả dịch vụ môi trường là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định 2 hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Thứ nhất là chi trả dịch vụ môi trường rừng trực tiếp bao gồm các hoạt động giao dịch, trao đổi giữa người bán và người mua. Người lao động lâm nghiệp (các chủ rừng) tạo được hoặc bảo vệ, giữ gìn được môi trường, cảnh quan thiên nhiên trong rừng; những người muốn vào rừng để thăm quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học… phải trả tiền mua vé.
Thứ hai là chi trả dịch vụ môi trường rừng gián tiếp, nếu giao dịch giữa người bán và người mua không thể thực hiện được trực tiếp, cần thông qua một bên trung gian làm đại diện cho cả 2 phía bởi những chủ rừng không thể đi bán cho từng người hưởng lợi. Với số lượng những người hưởng lợi đông thì Nhà nước sẽ đại diện để thu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng giữa người mua và người bán.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm Lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Rừng tạo ra các dịch vụ về môi trường như điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt, cung cấp nước cho thuỷ điện… cho đến nay chưa có cơ chế nào để những tổ chức, cá nhân sử dụng những điều trên trả lợi nhuận cho người chăm sóc rừng”.
Do đó, Có 3 loại dịch vụ MTR sẽ thực hiện trong đợt thí điểm này là dịch vụ về du lịch, dịch vụ về điều tiết, cung ứng nguồn nước và dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, chống bồi lắng lòng hồ.
Trong thời gian thí điểm, phí dịch vụ sẽ tính với các biểu giá tuỳ vào đối tượng. Đối với các nhà máy thuỷ điện có giá 20 đồng/kwh điện thương phẩm, các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt được tính theo giá 40 đồng/m3 nước thương phẩm.
Riêng các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch thì định mức chi trả tiền sử dụng dịch vụ MTR được xác định bằng 0,5 đến 2%, tính trên doanh thu du lịch thực hiện trong kỳ. Trong đó tỷ lệ % trên doanh thu du lịch sẽ do UBND tỉnh xem xét và quy định cụ thể.
Tổng số tiền thu được từ phí chi trả MTR sẽ phân lại 10% cho các hoạt động của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, 10% cho chi phí quản lý. Ngoài ra, 80% còn lại dùng để trả tiền công khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài cho chủ rừng có thể là các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn, bản.
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, để việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào thực tế, cần đưa vấn đề này vào nội dung Luật pháp, chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp, xã hội hoá nghề rừng. Như vậy mới nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng.