ThienNhien.Net – Đó là nỗi buồn của đước, mà không chỉ là cây đước thôi, mà cả cây bần, cây mắm, cây tràm, những loài cây gắn liền với con tôm ở vùng Tây Nam Bộ này. Vì “cha mẹ chúng”, những người tận tay trồng, chăm chúng chẳng hề tha thiết, mặn mà, kỳ vọng ở chúng chút nào.
Loanh quanh… rồi lại loanh quanh
Tiếp xúc với những người dân sống với rừng, chúng tôi có một cảm nhận chung, họ nghèo. Cái nghèo không bởi dễ dàng nhận biết trên gương mặt bởi ai nấy đều tỏ vẻ bình thản trước cuộc sống.
Nhà tạm, mái lợp bằng lá dừa nước, chiếc tủ gỗ mô-đét bên trong treo quần áo phẳng tinh tươm, cùng với dàn xoong, nồi, rổ, rá được sắp xếp rất ngăn nắp, ấy là những nhà khá giả, còn nghèo hơn thì nghĩa là chẳng có gì trong nhà, ngoài mấy thứ đèn hoa nilon do trẻ con vui tay làm ra. Thậm chí, có những hộ trong vùng du lịch đàng hoàng, cách con lộ lớn rải nhựa chưa đầy 5 phút đi xuồng máy, tối còn bới cơm trong tù mù ánh đèn dầu.
Ấp Cái Đôi Nhỏ, xã Việt Khoái, huyện Phú Tân, Cà Mau, ở đó dân sống bằng nghề tôm-rừng, nhưng cái xứ ấy có lẽ vì địa không lợi – nhân chẳng hòa nên rừng ngập mặn tới hơn 10 năm, đến kỳ khai thác mà vẫn cây vẫn còi cọc như đứa trẻ bị thiếu chất quá lâu ngày. Hỏi về con tôm, người ta chép miệng “cũng như cây đước vậy thôi, chưa có vùng nào tôm dở như vùng này. Mùa tôm là mùa gió chướng nhưng ở đây thì chẳng bao giờ có cảm giác là mùa tôm cả”.
Hầu như nhà nào cũng có một vài vuông tôm với mấy công rừng nhận của lâm trường, song thu nhập vẫn không đủ sống. Thanh niên, trai tráng một vài người làm sên mướn đâu đó gần gần, sớm đi tối về, còn lại bỏ ra thành phố hoặc xin vào khu công nghiệp làm thuê.
Gia đình anh Lê Văn K., trước chạy nghề xe ôm ở thành phố Cà Mau, nghe nói nuôi tôm nhanh giàu nên đã kéo cả gia đình về đây, tích hết của cải mua lại mấy công đất người ta trợ cấp cho cán bộ ủy ban. Gia đình anh vay ngân hàng 9 triệu đầu tư vào con tôm, sau 3 năm lãi gốc chưa trả được đồng nằm, giờ khoản nợ đã thành 15 triệu.
Anh K. thật thà: “Tôm cứ thất hoài. Năm ngoái tôi đã cải tạo múc bờ đầm rồi mà đến giờ chưa thấy hơn gì, bí quá nên tôi đong đưa không trả. Còn rừng, trồng thử nghiệm thì tốt không hiểu sao làm đại trà thì toàn sâu bệnh, đến giờ chục năm rồi mà vẫn chưa được khai thác”.
Anh chị được hai con, đều bỏ học, đứa lớn 22 tuổi làm thuê mướn gần nhà, đứa nhỏ làm ở Bình Dương. Anh tâm sự kinh tế gia đình lâu nay bí nhưng chẳng biết đi đâu nữa, đành phải bám trụ lại đây, dần già con cái lớn lên chúng tự đi làm thuê thì sẽ đỡ hơn.
Hàng xóm cách anh K. mấy bờ kênh, một cặp vợ chồng với cậu con trai kháu khỉnh 8 tuổi, quê gốc Phú Tân hẳn hoi nhưng hoàn cảnh còn “rau bèo” hơn.
Đôi vợ chồng ấy không có đất, chạy vòng vòng quanh vùng sống tạm, sau mượn được mấy công đất của bà cô. Ngôi nhà mới của anh chị được dựng bằng mấy cây gỗ xin của bà con chòm xóm và 36 miếng tôn nhà nước trợ cấp, nuôi tôm không đủ ăn, thỉnh thoảng vẫn phải đốn lén cây rừng để hầm than bán cho cánh lái thương.
Quản lý chặt vẫn không ngăn được rừng mất
Không chỉ gia đình ấy, ở nơi ấy họ lén đốn cây trên chính khoảnh rừng họ trồng và chăm, mà nhiều nhà khác, nhiều nơi khác cũng vậy. Không đủ sống thì phải làm liều, chứ hoàn toàn không phải do các lâm trường quản lý lỏng lẻo.
Chị vợ anh Nguyễn Văn N, gốc Bạc Liêu, rời đến Phú Tân đã ngót ngét 20 năm nay, than thở: “Dạo gần Tết cán bộ lâm trường làm riết luôn. Thằng con tui năm ngoái nó liều đi chặt cây rừng hầm than, bị các ổng bắt mất mấy ngày và phạt chín trăm ngàn, ở đây cũng có mấy người nữa bị phạt như vậy đó”.
Cửa sau nhà anh chị N. trông ra những luống đước xanh thăng tắp. (Ảnh: PanNature) |
Cửa sau nhà anh chị N. trông ra những luống đước xanh thẳng tắp. Rừng Phú Tân ngày càng mở rộng, cũng như những cánh rừng của vùng đồng bằng mênh mông này, đang vươn rộng, trải dài. Nhưng sao vẫn có điều gì đó khiến người ta nao nao, bức bách trong lòng. Muốn giữ rừng tốt thì phải dựa vào dân, mà dân không “ưng cái bụng” thì làm sao mà giữ cho nổi.
Cái lý mà người dân đưa ra để giải thích vì sao họ không mặn mà với rừng ngập mặn thì nhiều lắm. Nào là lá cây đước chát làm tôm giảm, nào là nếu nuôi tôm dưới tán rừng thì khi rừng càng khép tán càng che ánh sáng ngăn cản tôm phát triển, lá rừng rụng thối làm nước ô nhiễm…
Nhưng lạ là những gì họ nói, họ trải nghiệm dường như trái ngược với những mô hình, những kết luận các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu và công bố trong các tuyển tập hội thảo mà tôi cũng đã cố gắng hì hụi đọc trước khi xâm nhập thực tế. Thấy tôi còn hoài nghi, một nhà báo cùng đoàn lắc vai tôi, bảo: “chẳng gì đúng bằng chính kinh nghiệm từ thực tiễn cả”.
Đi đến đâu, chúng tôi cũng hỏi 7-3 hay 6-4. Đó là tỉ lệ diện tích rừng/diện tích tôm do lâm trường hướng dẫn, đo đạc và yêu cầu bà con làm theo. Dĩ nhiên, chủ trương của trên thì phải chấp hành rồi, tùy từng vùng mà khác nhau, cũng có thể dao động thành 6,5-3,5 hoặc 5-5, song nguyện vọng chung của bà con là tỉ lệ ấy càng nhỏ càng tốt. Vì rừng mà rộng ra thì tôm sẽ hẹp lại, nồi cơm sẽ bớt đầy.
Khi anh bạn đồng nghiệp trong đoàn chợt hỏi ông Lê Văn S.(Ngọc Hiển, Cà Mau): “Nếu được phá rừng để nuôi tôm, ông thấy sao?”, tôi chột dạ. Song, tôi càng bất ngờ hơn trước câu trả lời rất thật của ông “Thì thích quá đi chứ”.
Vâng, nhiều người trong số họ, nếu không muốn nói là rất nhiều hay đa số, đều nghĩ và muốn như vậy.
Thường ra, tôm cứ ba tháng vớt lên một lần bán cả mẻ, cũng có nhà thì thu hoạch lần lần, được con nào “xào” con ấy, tiền tươi thu về. Trong khi trồng rừng, kẽo kẹt mười mấy năm mới được khai thác, nếu lâm trường thực hiện tốt, hướng dẫn kỹ thuật đến nơi đến chốn và trả công chăm sóc đầy đủ và cho khai thác đúng hạn thì là một lẽ, còn nếu họ chỉ thuyết phục dân trồng rồi bỏ mặc, chỉ đếm gốc để quản lý và…phạt khi có vi phạm, hoặc thu hồi đất rừng của dân một cách không thỏa đáng, cùng hàng trăm câu chuyện quan liêu nữa, thì lại là một lẽ khác.
Vợ anh Nguyễn Văn N., huyện Phú Tân, Cà Mau than thở: “Mười năm nay tôi trồng rừng, họ không trừ cho đồng công nào, vậy mà chỉ phá có vài cây họ bắt ngay”
Cũng nỗi bức xúc không kém như vậy, tôi bắt gặp ở đất Cần Giờ, nơi có cánh rừng ngập mặn được coi là tuyệt vời nhất cả nước hiện nay. Chị Trương Thị K., một “nhà tôm – rừng” gắn bó với đất Cần Giờ từ khi nơi đây còn là vùng đất chết vì bị Mỹ rải bom và chất độc hủy diệt.
Nhà và khu tôm – rừng của chị chỉ cách con lộ nhựa của khu du lịch Cần Giờ vài phút đi ghe nhưng vẫn tối tăm vì chưa có điện. Chị tâm sự: “Ngày trẻ, tôi cũng mê trồng cây lắm, chăm từng cái cây một đó nhưng giờ thấy mấy ông làm mà nản. Từ ngày Cần Giờ lên khu dự trữ sinh quyển chúng tôi có được hưởng gì đâu, các ông ấy hưởng hết. Tôi ức lắm. Mấy ống giỏi thì giữ bọn chặt trộm ấy, tôi ở đây như người làm công, ăn chặn tôi cái gì chứ.
Đất của tôi đến giờ vẫn chưa có sổ, các ông nói rừng phòng hộ, động đến là phạt. Hồi chưa giải phóng gia đình tôi di cư vào đây làm đập làm đìa. Mỹ nó rải bom tanh bành hết cả, đói cha đến đói con. Tôi xung phong trồng rừng, ăn công thôi, thế mà chỉ xin làm cái chòi canh các ông ấy cũng không cho.
Chính quyền và người dân đang nỗ lực san lấp lại các vùng đất nuôi tôm vi phạm trước đây để trồng lại rừng. (Ảnh: PanNature) |
Đợt trước họ vào tịch thu vuông tôm của tôi làm du lịch. 8ha mặt nước định đền có 8 triệu, tôi nhất định không đồng ý, sau họ trả 12 triệu, rồi 27 triệu, 39 triệu. Tài sản người ta mà họ cứ làm như tôm, cá vậy, trả giá lần lần. Có ổng bảo chị cứ ký rồi nhận tạm, sau này khi lên khu du lịch được giá họ sẽ cho nhận tiếp”.
Càng gặp nhiều nỗi bức xúc, trăn trở của bà con, tôi càng thấy nghi ngờ tính bền vững của những cánh rừng đước, rừng mắm còn đang xanh kia. Tôi nhớ đến buổi trò chuyện với ông Trần Minh Công, Liên tiểu khu trưởng, tiểu khu 124 – 163 thuộc công ty lâm sản Ngọc Hiển. Ông bảo giờ tiểu khu của ông còn thuộc Nhà nước quản lý nên còn giữ được rừng, sau này mà tư nhân hóa thành doanh nghiệp chắc sẽ khó có thể cản được người dân phá rừng.
Nỗi trăn trở của ông Công đã đeo đuổi chúng tôi trong suốt chuyến đi Tây Nam Bộ. Nó không tươi sáng như bức tranh bề ngoài mà KS. Nguyễn Như Độ, Chi cục phó Chi cục lâm nghiệp tỉnh Cà Mau cho chúng tôi xem: “tình trạng phá rừng nuôi tôm nay không còn nhiều, chỉ xảy ra lẻ tẻ ở một vài nơi…Hiện nay, chính quyền và người dân đang nỗ lực san lấp lại các vùng đất nuôi tôm vi phạm trước đây để trồng lại rừng.”
Trồng lại những gì đã phá không dễ
Bản báo cáo mới đây của GS. Phan Nguyên Hồng và cộng sự của ông Lê Xuân Tuấn cho biết rừng ngập mặn Cà Mau (nơi có nhiều rừng ngập mặn nhất cả nước) đã bị tiêu diệt hoàn toàn ½ diện tích trong chiến tranh, đến 1980 trồng lại được 25.000ha nhưng sau lại bị phá làm đầm tôm…
Suốt bao năm nay, Cà Mau không ngừng nỗ lực trồng lại rừng. Theo số liệu từ Chi cục lâm nghiệp Cà Mau: 2004 – 2006 tỉnh quy hoạch lại đất và san lấp được 200ha đất để trồng rừng, đến năm 2007 san lấp và trồng được 2.000ha và dự kiến đến 2009 là 3.000ha. Con số rừng được trồng lại không ngừng tăng và không thể phủ nhận những nỗ lực mà nhà nước và bà con cùng đóng góp.
Song, có một thực tế khiến nhiều người phải thốt lên rằng khi rừng đã mất đi không ai tính được phí tổn. Giờ nhìn vào chi phí phục hồi rừng mới “té ngửa” ra rừng “đắt đỏ” nhường nào. Chi phí phục hồi rừng 1ha rừng trên đất trống, không phải san lấp là gần 2 triệu/ha, còn trên đất nuôi tôm, phải san lấp thì tới 15 triệu/ha. Chưa cần biết chi phí ấy do Nhà nước bỏ ra hay do dân đóng góp song nó đã cho thấy chúng ta đang phải trả giá nhiều và sẽ phải trả giá nhiều chỉ vì đã không quản lý tốt nguồn tài nguyên trước sức ép dân cư.