Chúng tôi có mặt tại Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây (Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Tây) – là nhà máy thứ hai trong cả nước đang sử dụng công nghệ xử lý rác sinh hoạt MBT-CD 08. Ước tính mỗi ngày, nhà máy này sẽ xử lý khoảng 150 tấn rác thải của cả thành phố Hà Đông. Điều đặc biệt là công nghệ, dây chuyền xử lý rác này do hai người thương binh cùng bạn bè tâm huyết của mình sáng chế
Công nghệ xử lý rác tiên tiến
Những ngày này, ông Phạm Hiền – Phó giám đốc Công ty TNHH Thủy lực – Máy cùng đồng đội của mình là ông Hoàng Trung Cường và ông Nguyễn Gia Long – sáng lập viên của công nghệ xử lý rác sinh hoạt MBT-CD 08 luôn phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Đầu tuần, các ông đến trụ sở công ty trên phố Đê La Thành (Hà Nội) điều hành công việc. Giữa tuần đã thấy các ông có mặt ở Đồng Văn (Hà Nam) kiểm tra một nhà máy xử lý rác ở đây. Ít hôm sau các ông lại lên Ba Vì (Hà Tây) để tiếp tục hoàn thiện dây chuyền xử lý rác thứ hai bằng công nghệ MBT-CD 08.
Xử lý chất thải rắn hiện đang là vấn đề bức xúc đối với các địa phương trong cả nước. Hiện tại tất cả các địa phương đều sử dụng biện pháp chôn lấp chất thải với số lượng trung bình là 1 bãi chôn lấp rác của 1 đô thị, trong đó có tới 85-90% là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao bởi mùi và nước rỉ rác. Công nghệ chôn lấp tuy giá thành rẻ nhưng đòi hỏi phải tốn nhiều diện tích đất trong lúc quỹ đất hiện nay rất hạn chế, không có khả năng thu hồi, tái chế, sử dụng lại nguồn nguyên liệu từ rác thải và còn phải xử lý nước rỉ rác đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
Dẫn chúng tôi xuống tham quan dây chuyền xử lý rác thải theo công nghệ MBT-CD 08, ông Hoàng Trung Cường – Giám đốc điều hành chuyển giao dự án xử lý rác – giới thiệu: Công nghệ xử lý rác sinh hoạt MBT-CD 08 do Công ty TNHH Thủy lực – Máy chế tạo đã áp dụng thí điểm tại Đồng Văn, Hà Nam. Công nghệ này sẽ xử lý triệt để rác bằng 3 phương pháp cơ học, sinh học và cơ – sinh học. Công nghệ MBT-CD 08 áp dụng thí điểm ở Đồng Văn được Bộ Xây dựng tổ chức kiểm tra và kết luận đã vận hành có kết quả, phù hợp với điều kiện thực tế của đô thị nước ta và có nhiều ưu điểm.
Hiệu quả xử lý rác thải cao, đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường, giảm thải rác thải chôn lấp, công nghệ có tính linh hoạt, sản phẩm là phân vi sinh hoặc là các viên nhiên liệu dân dụng và công nghiệp có ý nghĩa kinh tế – xã hội, khả năng tiêu thụ tốt. Tùy theo đặc thù của địa phương có thể lựa chọn sản phẩm là phân vi sinh hoặc viên nhiên liệu.
Trước đánh giặc…
Mười chín tuổi, chàng trai trẻ Phạm Hiền quyết tâm “xếp bút nghiên” vào bộ đội, xin vào chiến trường miền Nam. Ông được “biên chế” về Sư đoàn 304. Tháng 9/1972, Phạm Hiền có mặt tại “tuyến lửa” Quảng Trị. Tháng 10/1974, chàng thanh niên Hiền cùng đồng đội tiến đánh cao điểm 1062 tại Đại Lộc (Quảng Nam) và bị một mảnh pháo 155 li văng trúng đầu.
Một đồng chí cấp trên vì thương lính, đã định điều chuyển Hiền ra chiến trường Quảng Trị, song chỉ sau ít ngày đã lại thấy Hiền có mặt cùng đồng đội trên chiến hào. Tháng 11/1974, cuộc chiến ngày càng ác liệt. Đơn vị của Hiền đã có nhiều chiến sĩ hy sinh. Trong một trận chiến mà gần như cả ta và địch đều kiệt quệ, Hiền bị thương với nhiều mảnh bom găm khắp người. Nhưng cũng như các lần trước, khi vết thương lành miệng là Hiền lại cầm súng ra trận địa.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 03/1977 Phạm Hiền xuất ngũ với chứng nhận thương binh 2/4, mất đi 61% sức khỏe. Ông chuyển về Nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô Ngô Gia Tự. Đến năm 1993 thì ông… thất nghiệp vì công ty giải thể. Thương binh Hoàng Trung Cường cũng nhập ngũ cùng ngày, cùng tháng, cùng năm với Phạm Hiền. Tuy nhiên, ông Cường lại được phân về Sư đoàn 324, Quân đoàn 2. Sau khi tham gia các chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, ông bị thương trong chiến dịch Đông Xuân năm 1974. Sau giải phóng miền Nam, Cường tiếp tục truy kích Fulro ở Lâm Đồng. Đến tháng 10/1976 thì xuất ngũ với chứng nhận thương tật.
Nay lại đánh “giặc”… rác
Thương binh Hoàng Trung Cường bày tỏ: Ông tham gia diệt “giặc” rác bởi ông nhận thấy, “giặc” rác cũng nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm. Nó áp sát mình hàng ngày, không gây đầu rơi máu chảy song những tác hại của nó cứ âm ỉ và thực sự rất nguy hại. Nhà ông vốn ở khu Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), rất gần với khu bãi rác. Trước đây, ông đã tham gia xử lý chất nhựa có trong hỗn hợp các loại rác tại đây.
Đến năm 2003, sau một thời gian dài tiếp xúc, xử lý rác, ông Long cùng với những người bạn thương binh là Hiền, Cường đã dốc hết cơ nghiệp vào công trình chế biến rác thải sinh hoạt thành chất đốt. Ông cười nói với chúng tôi, để chế tạo ra được công nghệ xử lý rác sơ khai (được ông đặt tên là Ansinh-ASC), ông đã phải đầu tư số tiền tương đương với việc xây 2 ngôi nhà 4 tầng! Tiếp sau công nghệ Ansinh-ASC là đến công nghệ Seraphin. Và cho đến tháng 01/2008 thì các ông cho ra đời công nghệ MBT-CD 08, được coi là “hoàn thiện” nhất trong việc xử lý rác. Bằng việc sáng chế ra công nghệ MBT-CD 08, những người thương binh cùng bạn bè mình ở Công ty TNHH Thủy lực – Máy đã mở ra một hướng mới trong công nghệ xử lý rác, có triển vọng trong tương lai.