Ai chịu trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam?

ThienNhien.Net – Theo một số chuyên gia bảo tồn, Công văn số 970/BNN-KL do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) ban hành gần đây được coi như một bản án tử hình đối với các loài động vật hoang dã (ĐVHD) đang trong tình trạng nguy cấp của Việt Nam. Đây là công văn hướng dẫn chính quyền cấp tỉnh xử lý các vụ việc liên quan đến các loài ĐVHD nguy cấp đang bị nuôi nhốt trái phép trên cả nước, song việc ban hành công văn đã “bật đèn xanh” cho hành vi sở hữu, nuôi nhốt trái phép các loài ĐVHD tại Việt Nam, kể cả những loài được bảo vệ trong nhóm 1B của Nghị định 32. Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự lo lắng cho số phận các loài ĐVHD của Việt Nam trong tương lai.

Thật đáng tiếc, trong khi hành vi săn bắt, vận chuyển, buôn bán các loài ĐVHD cần bảo vệ bị coi là các loại hình tội phạm thì việc “sở hữu” chúng lại được bảo hộ. Một cách logic, ai đó có thể hỏi rằng vậy để có thể sở hữu một cá thể động vật hoang dã tại tư gia thì cá nhân đó phải làm những gì? Như trường hợp ở Thanh Hoá, nếu không có kẻ đã săn bắt, vận chuyển, mua bán lúc trước thì làm sao có chuyện 20 con hổ xuất hiện và tồn tại trong nhà dân. Một nghi vấn được đặt ra liệu có phải thực sự là luật pháp còn quá nhiều lỗ hổng hay là chúng ta đang cố tình lẩn tránh trách nhiệm bảo vệ các loài ĐVHD?

Với tinh thần như trên thì có nghĩa là ai đó có thể vào rừng săn bắt một hay nhiều con hổ và nếu như lôi được chúng về nhà thành công mà không bị bắt quả tang đang săn bắt hay vận chuyển thì hình phạt nặng nhất mà người đó có thể phải chịu chỉ là mức phạt tiền 30 triệu đồng – khung hình phạt hành chính cao nhất do pháp luật quy định. 30 triệu đồng là một cái giá quá hời cho một hoặc nhiều cá thể hổ mà ai đó vừa có được, vì hổ của họ đâu có bị tịch thu. Hơn thế, số tiền này còn có thể giúp họ nuôi nhốt bao nhiêu cá thể hổ tuỳ thích.

Hiện tại, pháp luật hiện hành yêu cầu cơ quan chức năng tịch thu các loài ĐVHD nuôi nhốt, buôn bán trái phép khi phát hiện. Khi ĐVHD trái phép bị tịch thu, các chủ sở hữu vừa phải chịu mức xử phạt hành chính, lại vừa mất đi số ĐVHD đang nuôi nhốt. Điều này phần này giúp đối tượng vi phạm hiểu được rằng mọi hành vi sở hữu ĐVHD nguy cấp và được bảo vệ đều bị nghiêm cấm.

 
Hình ảnh hai mẹ con nhà Nhím ở một trang trại Nhím. (Ảnh: ENV).

Song, đồng thời với quy định đó, cơ quan chức năng lại cho đăng ký gây nuôi các loài ĐVHD được bảo vệ, có nghĩa chúng ta đang truyền tải với các đối tượng vi phạm một thông điệp rõ ràng rằng, họ chỉ cần nộp phạt cho cơ quan chức năng nếu không may bị phát hiện và sau đó vẫn tiếp tục được nuôi nhốt ĐVHD, kể cả các loài được bảo vệ trong nhóm 1B của nghị định 32.

Vụ 80 cá thể gấu chưa gắn chíp ở tỉnh Quảng Ninh chính là một bằng chứng rõ ràng nhất cho hiện trạng này. Kết cục là ngày càng có nhiều cá thể gấu, hổ và các loài nguy cấp khác rơi vào tay của các cá nhân, tổ chức và tiếp tục được đăng ký và hợp pháp hóa.

Một số ý kiến cho rằng gây nuôi ĐVHD là một giải pháp phát triển kinh tế để giải quyết khó khăn cho người nghèo. Thực tế, chỉ có một số ít các loài ĐVHD có thể sinh trưởng, phát triển và sinh sản tạo ra các thế hệ con, giúp chủ trang trại thu lời mà không cần khai thác thêm động vật từ tự nhiên (như loài ba ba trơn).

Vì vậy, quan điểm cho rằng gây nuôi ĐVHD nói chung sẽ giúp cải thiện sinh kế của người dân địa phương là hoàn toàn sai lầm. Thêm vào đó, công tác giám sát hoạt động của các trang trại ở Việt Nam còn yếu kém, thậm chí hầu như không có, nên rất nhiều trang trại vẫn phụ thuộc vào nguồn cung từ tự nhiên hay là gây nuôi trá hình. Trong khi đó, cơ quan chức năng lại không thể phân biệt các cá thể ĐVHD hợp pháp với các cá thể bất hợp pháp, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp của chúng ta.

Trở lại giả định rằng, gây nuôi ĐVHD đem lại lợi ích cho người nghèo. Ai là người sở hữu những cá thể hổ, gấu, vượn, voọc và các loài được bảo vệ khác? Người nghèo ư? Hay là những người dân tộc thiểu số đang vật lộn kiếm sống? Không! Đó chính là những người có tiền và có quyền. Sinh kế của người dân địa phương không phải là vấn đề cản trở trong cuộc chiến nhằm bảo vệ ĐVHD nguy cấp ở Việt Nam. Gây nuôi ĐVHD cũng không phải là một giải pháp tốt như một số người vẫn nghĩ.

Một lý lẽ khác thường được đưa ra để biện minh cho việc tịch thu ĐVHD là hiện không có chỗ nuôi giữ cho các ĐVHD bị tịch thu. Đúng là Việt Nam không có đủ các trung tâm cứu hộ, các sở thú để tiếp nhận tất cả các cá thể gấu, hổ và ĐVHD khác tịch thu được từ các vụ buôn bán trái phép. Tuy nhiên, vẫn có chỗ để cứu hộ nhiều cá thể động vật nguy cấp.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cấp Bộ chịu trách nhiệm về bảo vệ ĐVHD nên có một số nguồn lực nhất định để xây dựng thêm các trung tâm cứu hộ. Nhiều tổ chức quốc tế đã hỗ trợ xây dựng các trung tâm cứu hộ gấu, linh trưởng cũng như các loài động vật khác. Nếu chúng ta muốn chứng minh cho thế giới biết chúng ta đang nỗ lực giải quyết thực trạng mà loài hổ, gấu và các ĐVHD cực kỳ nguy cấp khác phải đối mặt thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều nguồn tài trợ giúp chúng ta giải quyết khó khăn hiện hành. Điều này chỉ xảy ra khi chúng ta thực sự nỗ lực chứ không chỉ là lời hứa suông.

 
Một mẫu vật Báo gấm nhồi trưng bày tại nhà một đối tượng buôn bán ĐVHD. (Ảnh: ENV).

Một số người khác lại cho rằng gây nuôi sinh sản ĐVHD sẽ giúp bảo tồn các loài ĐVHD của Việt Nam. Họ giải thích gây nuôi sinh sản giúp duy trì nguồn gen và tạo nền tảng cho các thế hệ tiếp theo được sinh ra, trong số đó có những cá thể sẽ được thả về tự nhiên. Tuy nhiên, xét về bất cứ nguyên nhân gì thì bảo tồn ĐVHD qua gây nuôi thương mại vẫn là một sai lầm cơ bản.

Thứ nhất, các chủ trang trại tập trung vào mục đích thu lợi nhuận chứ không phải công tác bảo tồn gen. Chủ trang trại luôn tìm cách tăng số lượng đầu vào và đầu ra mà họ sẽ không mấy quan tâm đến thành phần cấu tạo gen, điều mà ngay cả những trang trại lớn cũng không thể làm được.

Kết quả của quá trình gây nuôi là hiện tượng giao phối cận huyết, pha trộn gen, các cá thể được sinh ra không còn giữ được những đặc tính gen cơ bản và không có giá trị bảo tồn loài. Trong khi đó, muốn bảo tồn nguồn gen, ta cần phải lựa chọn bố mẹ một cách kỹ lưỡng để cho giao phối sinh sản, đảm bảo tạo ra những con sinh ra vẫn giữ được đặc tính gen của loài. Tuy nhiên, gây nuôi thương mại và bảo tồn gen là hai lĩnh vực không thể dung hoà nếu không hy sinh một phần lợi nhuận của chủ trang trại.

Thứ hai, ý tưởng thả ĐVHD về tự nhiên trong một thời gian không xa chỉ có thể thực hiện trên lí thuyết. ĐVHD có những bản năng tự nhiên như săn bắt, tìm mồi, các bản năng này không thể phát triển trong môi trường nuôi nhốt. Các động vật được thả về tự nhiên sẽ khó có thể thích nghi với điều kiện môi trường, bệnh dịch và con mồi. Các loài động vật như gấu sống trong điều kiện nuôi nhốt thường không sợ con người, điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra mâu thuẫn giữa người và vật. Hơn nữa, những con vật này chính là nhân tố lan truyền bệnh vào tự nhiên.

Hiện nay, các nhà bảo tồn vẫn tiếp tục phát hiện thêm nhiều vấn đề tiềm tàng của việc thả động vật về tự nhiên. Chỉ riêng chi phí đưa các loài về môi trường sống tự nhiên một cách thành công cũng là một con số đáng kể. Ai sẽ thanh toán chi phí cho công tác này trong tương lai? Chính quyền các tỉnh hay Bộ NN&PTNT?

Thờ ơ với công tác bảo tồn ĐHVD đồng nghĩa với việc chúng ta tự đánh mất đi sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế. Chúng ta cần bảo vệ ĐVHD bởi đó là một phần quan trọng và không thể thiếu trong môi trường, đời sống văn hoá và lịch sử của chính đất nước chúng ta. Thiên nhiên Việt Nam sẽ nghèo nàn đi biết bao nhiêu khi không còn voi, hổ, gấu, vượn, voọc và các loài ĐVHD khác.