ThienNhien.Net – Bạc Liêu là tỉnh nông nghiệp, cơ cấu , giá trị sản xuất trong nông nghiệp chiếm trên 53% GDP của tỉnh . Những năm qua, bằng các chính sách vĩ mô phát triển nông nghiệp toàn diện trong phát triển kinh tế xã hội, GDP của Bạc Liêu luôn đạt mức 2 con số từ 11 đến 14% /năm. Bạc Liêu đã thu được nhiều kết quả quan trọng với các con số thật sự ấn tượng trong “tam nông”. Tuy vậy, Bạc Liêu cũng còn không ít vấn đề bất cập trong việc chăm lo cho “tam nông”, mà nguyên nhân được xác định là do sự lỏng lẻo trong thực hiện mối liên kết giữa 4 nhà ( khoa học, quản lý, sản xuất, kinh doanh) trong toàn bộ hoạt động của “tam nông”.
Khoa học kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất
Cho đến thời điểm này, các nhà khoa học tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa kịp thời cung cấp được cho người sản xuất giống cây, con có chất lượng cao để kịp thời thay thế những loại giống cây con đang bị thóai hóa dần trong quá trình sản xuất. Tình trạng hàng năm, người trồng lúa phải tiêu tốn tiền tỷ cho công tác phòng chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa thường xuyên xảy ra.
Do đó, dù năng suất lúa có cao thật, nhưng chi phí cho việc phòng trị bệnh hết sức tốn kém, đã làm mất đi nguồn lợi rất lớn của người trồng lúa. Dịch bệnh cúm gia cầm, heo tai xanh trong thời gian gần đây đã cho thấy sự bất cập trong công tác giống. Việc quản lý sản xuất trong trồng lúa cũng cần bàn, việc có nên hay không khi mà bố trí mùa vụ giữa các trà lúa quá dày, dịch bệnh luôn có chỗ khu trú gây bệnh . Đến khi thu họach thì lại lao đao lo chuyện đầu ra của sản phẩm. Điệp khúc trúng mùa rớt giá luôn đeo bám người sản xuất ra nông sản thực phẩm. Làm ra hạt lúa ”trần thân” nhưng lại phải bán ra ngoài tỉnh cho thương lái chỉ vì Công ty Lương thực tại chỗ không mua hạt lúa nào, mà chỉ mua gạo và chủ yếu cũng là từ ngoài tỉnh. Các cấp quản lý đều biết nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Có nơi nông dân không đất và có nơi đất bỏ không
Có một thực trạng không thể không đề cấp đến là tỉnh nông nghiệp nhưng Bạc Liêu hiện còn hơn 4.400 hộ nông dân không có đất sản xuất vì nhiều lý do như: bị thu hồi đất cho các dự án cụm, khu công nghiệp, làm đường giao thông và làm ăn bị thất mùa cầm cố, sang bán ruộng đất. Còn vài chục ngàn cuôn sổ đỏ đang nằm tại Ngân hàng nhiều năm rồi chưa lấy ra được vì nuôi tôm bị mất mùa dẫn đền nợ nần không trả được. Chỉ sau vài vụ nuôi tôm bị thua là tài sản có giá trị trong nhà mua sắm từ con tôm trước đó lần luợt đội nón ra đi, tài sản quan trọng là miếng ruộng cũng phải thế chấp Ngân hàng vay tiền để “tái sản xuất” và cũng chưa biết ngày nào lấy sổ đỏ ra.
Ngoài chuyện bị thất mùa, thì thiệt thòi lớn nhất cuả người sản xuất tại Bạc Liêu là phải “tự bơi” để tìm bán sản phẩm, giá cả do thương nhân định đọat. Lúa- tôm đều phải bán ra ngoài tỉnh. Con tôm là nguyên liệu chế biến xuất khẩu quan trọng của 12 nhà mày chế biến thủy sản trên địa bàn, nhưng mỗi năm tiêu thụ tại chỗ cũng chỉ được 40% sản lượng làm ra, người trồng lúa-nuôi tôm kêu đâu cũng không thấu.
Căn nhà của anh Lương Văn Lên (ấp Ninh An, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) nằm sát mé kinh. Đó cũng là miếng đất duy nhất mà gia đình anh sở hữu. 6 nhân khẩu trong nhà không có “cục đất chọi chim”, một người con đã có gia đình, 3 người còn lại dắt díu nhau lên TP. HCM làm việc mấy tháng nay… Anh Lên vốn không phải là một nông dân không đất, nhưng mấy mùa làm lúa không trúng, rồi vợ con đau yếu, bệnh tật, 6 công ruộng đã lần lượt “đội nón” ra đi. “Mê làm ruộng mà không có ruộng để làm” – anh Lên bộc bạch nỗi niềm của mình và cũng là của 23 hộ nông dân nghèo không đất sản xuất ở ấp Ninh An này.
Còn vợ chồng anh Đào Văn Thưa (ấp Trà Hất, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) từ khi đăng ký thành một hộ riêng đã không có miếng đất làm lúa dù trước giờ chỉ sống với đồng ruộng. Cha mẹ nghèo lại đông con, của hồi môn cho vợ chồng anh không có gì ngoài miếng đất nhỏ để dựng căn nhà. Một thời gian bôn ba làm ăn nhưng không khá lên được, vợ chồng anh trở về quê và mượn được 1 công đất của gia đình để làm ruộng kiếm gạo ăn. Năm 2008, hộ anh Thưa trở thành một hộ nghèo mới phát sinh của ấp, nằm trong số 54/268 tổng số hộ toàn ấp.
Ngược lại, ấp 15, xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) “nổi tiếng” với số nợ ngân hàng lên tới 10 tỷ đồng. cũng chính nơi đây, nhiều năm trước là địa phương dẫn đầu cho phong trào chuyển đổi sản xuất, từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản. những vụ tôm đầu trúng đậm, đời sống người nông dân vùng đất ven biển này lên như “diều gặp gió”, những căn nhà khang trang mọc lên. Nhưng chỉ vài năm sau, khi các vụ tôm thất bát liên tục, những người nông dân trong các căn nhà khang trang đó lại là những con nợ của ngân hàng. Ở vùng sản xuất lúa, không ít nông dân không có đất sản xuất thì ở đây lại có đất bỏ không vì nông dân không có vốn để làm.
Tình trạng nông dân không đất sản xuất, trong khi một số ít nông dân đang tích tụ số lượng lớn diện tích đất nông nghiệp từ việc mua lại đất cầm cố, mua đất của những hộ nghèo được cho là quy luật tất yếu của nền sản xuất hiện đại, từ đó tiến tới sản xuất tập trung, hình thành vùng sản phẩm hàng hóa lớn, giúp giảm dần việc sản xuất manh mún, khó đưa khoa học kỹ thuật vào ứng dụng trong sản xuất và cũng khó hiện đại hóa sản xuất.
Để giúp những nông dân không đất có thể tự sống được ở làng quê, hàng loạt lớp dạy nghề đã được mở ra. Nhưng trên thực tế, hiệu quả từ những lớp dạy nghề này đã không mang lại kết quả như mong muốn. Ở phường 8, thị xã Bạc Liêu, khi những lớp dạy may được mở cho nông dân bị thu hồi đất và chuyển đổi nghề chạy xe lôi máy, chỉ có vài người trong số hàng chục người được giới thiệu học nghề đến học. Rõ ràng, việc dạy nghề cho nông dân chưa được tính toán một cách khoa học và lâu dài mà chỉ dừng lại ở mức tổ chức cho được chứ không phải là tổ chức như thế nào, hiệu quả ra sao.
Ông Hồ Hữu Đức, Chủ tịch Hội Nông Dân Bạc Liêu, cho biết: “Một trong những điểm yếu của lao động nông nghiệp hiện nay là trên 83% lao động không qua đào tạo nghề, không bằng cấp, chứng chỉ . . . Hàng loạt các lớp dạy nghề được mở nhưng có rất ít nông dân tham gia, trong khi chính bản thân nông dân không biết phải học cái gì để có hiệu quả lâu dài. Bởi lẽ cũng hết sức đơn giản, làm nản lòng người đi học là học xong không biết “xài” ở đâu, vì các Trung tâm( T. T) dạy nghề chỉ biết mở lớp, dạy cái TT có mà chẳng cần biết thị trường có cần hay không”.
Tồn tại, bất cập cần giải quyết
Ông Nguyễn Bỉnh Nguyệt (Năm Dũng) nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải, hiện là một lão nông chính hiệu, tỏ vẽ băn khoăn khi trao đổi về đời sống nông dân hiện nay. Bằng kinh nghiệm thực tiễn, ông Năm Dũng cho rằng, tình trạng mất cân đối hiện nay, nông dân chặt, phá những cây, con không có lợi ích kinh tế để thay thế bằng những cây, con mang lại lợi ích kinh tế hơn xảy ra liên tục sẽ còn tiếp diễn vì nông dân vẫn phải sống. Do vậy, các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải chủ động chứ không thể đi sau nông dân. Cần phải tạo điều kiện cho nông dân tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại chỗ trên cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đúng mức, từng bươc thực hiện hợp tác hóa.
Còn ông Hồ Hữu Đức thì cho biết, qua nhiều lần tiếp xúc với nông dân, điều họ cần hiện nay là sử dụng giống mới nhẹ chi phí, giảm rủi ro, cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp được đầu tư, vấn đề tiêu thụ sản phẩm tại chỗ, xây dựng các tổ hợp tác để tính đến chuyện liên kết 4 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) . .. đó thật sự là những vấn đề bức xúc trong đời sống nông dân hiện nay.
Còn ở tầm vĩ mô, Bạc Liêu đang “tỉnh táo” tự nhìn nhận đánh giá lại qúa trình quản lý phát triển “tam nông”, trong đó thực tế không thể phủ nhận là tuy có sự phát triển, nhưng cũng chỉ về chiều rộng chưa đi vào chiều sâu mang tính chuyên môn hóa, hiên đại hóa cao. Do đó, nông nghiệp Bạc Liêu vẫn là sản xuất nhỏ cả về qui mô sản xuất và sản lượng hàng hóa, vì bình quân mỗi hộ nông dân chỉ có 1,7 ha đất canh tác và tự tổ chức sản xuất theo dạng nông hộ rất khó cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Trong khi đó, hệ thống thủy lợi ở Bạc Liêu còn nhiều bất cập chưa phục vụ tốt cho yêu cầu thâm canh, sản xuất bền vững; chất lượng nông sản tuy được cải tiến nhiều nhưng thực chất khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa cao. Đời sống tam nông tuy được cải thiện đáng kể, nhưng cũng chỉ bằng 56% mức thu nhập của cư dân thành thị.
Bên cạnh đó, sự phân hóa giàu nghèo ở khu vực nông thôn lại rất nhanh, qua khảo sát của cơ quan chức năng, mức chênh lệch giữa nhóm có thu nhập cao nhất và nhòm có thu nhập thấp nhất khá lớn, năm 2005 là 5,1 lần, đến năm 2007 là 7,1 lần. Đây cũng là ẩn họa của sự mất ổn định xã hội ở nông thôn nếu không được quản lý tốt sẽ làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Ngoài ra, nhược điểm cố hữu của nhà nông là sản xuất tư phát, kiến thức về khoa học kỹ thuật còn bấp cập, kỹ năng sản xuất chậm được thay đổi. Còn các vấn đề về thị trường; sự liên kết; nguồn vốn đầu tư hình thành các trang trai lớn ở nông thôn để thực hiện cơ giới hóa-công nghiệp hóa, nông dân Bạc Liêu không thể tự giải quyết được mà cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để vực dậy và đưa tam nông tiến lên trong thời ky hội nhập phải gắn với thị trường toàn cầu./.