ThienNhien.Net – Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng suất Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết hiện ở Việt Nam mới chỉ có 5% sản phẩm tiêu dùng, dịch vụ đủ tiêu chuẩn dán nhãn sinh thái.
Theo ông Tuấn, Việt Nam chưa có quy định bắt buộc cũng như chưa có tiền lệ dán nhãn sinh thái sản phẩm hàng hoá, nhưng ở trong nước đã xuất hiện các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường và có những sản phẩm dịch vụ có nhu cầu được cấp nhãn sinh thái, để quảng bá cho các nỗ lực bảo vệ môi trường của mình.
Trong chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có 100% sản phẩm hàng hoá xuất khẩu, 50% hàng hoá tiêu dùng nội địa được ghi nhãn sinh thái theo tiêu chuẩn ISO 14024.
Nhãn sinh thái là công cụ quản lý môi trường được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới, được coi là tiêu chuẩn chung về môi trường thay cho những quy định về hàng rào thuế quan. Việc thiết kế xây dựng và thực hiện chương trình cấp nhãn sinh thái là rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực đối với doanh nghiệp và xã hội.
Ông Tuấn cho biết nhãn sinh thái được áp dụng ở Việt Nam gồm 3 loại, trong đó nhãn kiểu 1 là nhãn được chứng nhận, được cấp cho sản phẩm của nhà sản xuất theo yêu cầu vì lợi ích của người tiêu dùng.
Nhãn kiểu 2 là nhãn tự công bố, do nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và nhà phân phối đưa ra, dựa trên những chứng cứ và kết quả tự đánh giá hoặc được đánh giá bởi các bên liên quan khác theo yêu cầu của nhà sản xuất sản phẩm hàng hoá đó.
Nhãn kiểu 3 là nhãn tự nguyện của các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng cho người tiêu dùng theo chương trình tự nguyện của ngành kinh tế và các tổ chức kinh tế đề xuất./.