Theo phản ánh của nhân dân các xã Quảng Lưu, Quảng Thái, Quảng Hải (Quảng Xương – Thanh Hoá), từ năm 2003 đến nay, họ thường xuyên phải sống trong cảnh thiếu nước ngọt. Nguyên nhân là do dự án (DA) nuôi tôm trên cát tại xã Quảng Lưu không thực hiện đúng quy trình, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của hàng trăm hộ dân.
Trong 2 năm ( 2003-2004), UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành 3 quyết định cho phép 3 đơn vị thực hiện DA nuôi tôm trên cát tại xã Quảng Lưu. Điều đáng chú ý là toàn bộ diện tích nuôi tôm nằm trong vùng trồng cây phi lao phòng hộ ven biển.
Ông Nguyễn Công Sinh, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu cho biết: “Sau khi bàn giao đất, ngoài việc đền bù 50.000 đồng/sào cho dân, xã chỉ được nhận 30 triệu đồng, sau đó điều tiết lại với mức 3 triệu đồng/năm, trong khi không triển khai DA thì nguồn thu từ thuế sử dụng đất và nguồn lợi từ rừng có thể lên tới vài trăm triệu đồng/năm”.
Sau khi DA đi vào hoạt động, hiệu quả đâu chưa thấy, tác động xấu đến môi trường đã xuất hiện. Ngoài việc gần 40 hộ dân thôn 1, xã Quảng Lưu và 40 hộ dân hai xã Quảng Thái, Quảng Hải không có nước sạch để sử dụng do nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Hơn 140ha đất trồng dưa hấu của xã do phải trồng trái vụ để tránh thời điểm nước biển có độ mặn cao và sương muối xuất hiện nên không những năng suất, sản lượng sụt giảm mà còn khó tiêu thụ vì thu hoạch vào mùa mưa.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do rừng phi lao phòng hộ, “vành đai” che chắn, bảo vệ cho đồng ruộng không còn. Được biết, tham gia DA nuôi tôm trên cát gồm: Trại giam Thanh Lâm thuộc Cục V26 (Bộ Công an), Doanh nghiệp Tuấn Hiền và Công ty Trang Sơn. Tuy nhiên, do làm ăn không hiệu quả, Doanh nghiệp Tuấn Hiền đã bỏ cuộc.
Hiện tại, 8,9ha đất nuôi tôm của đơn vị này bị bỏ hoang, gây lãng phí, xã muốn thu hồi, đưa vào khai thác nhưng không được vì vượt thẩm quyền. Trước thực trạng trên, ngoài việc cùng các đơn vị nuôi tôm tìm giải pháp khắc phục, xã Quảng Lưu đã làm báo cáo, trình lên cấp trên, các hộ dân cũng nhiều lần “kêu” tới huyện, tỉnh.
Mới đây, trước sự lên tiếng của công luận, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Xương mới cử cán bộ xuống lấy mẫu nước về phân tích. Sự chậm trễ, thiếu quan tâm của các cấp, ngành đã gây búc xúc trong dân. Chị Phạm Thị Thơ ở thôn 1 cho biết: “Cả giếng đào và giếng khoan của gia đình tôi đều bị nhiễm mặn, không thể dùng được. Mấy năm nay, ngày nào tôi cũng phải hai lần đi xin nước cách nhà hơn cây số”.
Để khắc phục tình trạng trên, Trại giam Thanh Lâm đã tiến hành khoan giếng, cung cấp nước ngọt cho một số hộ dân nhưng kết quả không như mong muốn do nguồn nước bị nhiễm sắt. Năm 2006, Trại phối hợp với xã Quảng Lưu và Công ty Trang Sơn tổ chức xây dựng, lắp đặt một tháp nước dung tích trên 10m3, dùng máy bơm đưa nước từ một giếng khoan lên tháp để dẫn về các nhóm hộ. Công trình có tổng kinh phí trên 100 triệu đồng lẽ ra đã đáp ứng nhu cầu của các hộ dân, nhưng do cách quản lý chưa tốt, nhất là ý thức của người dân chưa cao nên vẫn chịu cảnh xin nước như cũ.
Rất nhiều lần liên hệ với lãnh đạo huyện để để trao đổi về vấn đề này nhưng đều nhận được câu trả lời: bận việc. Thiết nghĩ, muốn hạn chế và chấm dứt tình trạng nhiễm mặn nguồn nước, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, các đơn vị nuôi tôm phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Các hộ dân và chính quyền địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tìm và triển khai giải pháp khắc phục.