CITES siết chặt kiểm soát buôn bán động thực vật hoang dã

ThienNhien.Net – Nạn buôn bán voi, tê giác, hổ và gỗ gụ đã trở thành tâm điểm của hội thảo về công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật nguy cấp) do Cơ quan thư ký của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) điều hành hồi giữa tháng 7 vừa qua.

Willem Wijnstekers – Tổng thư ký CITES phát biểu khai mạc hội thảo: “Cần phải có các giải pháp mới đủ mạnh mới có thể kiềm chế và kiểm soát sự suy giảm của các loài. Lãnh đạo các nước thuộc nhóm G8 cũng đã nhận ra điều này và thể hiện cam kết thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học với việc giảm buôn lậu các loài hoang dã và cải thiện quan hệ giữa hoạt động nghiên cứu, công chúng và những người làm chính sách”. 

300 đại biểu đến từ 173 nước thành viên của CITES ở khắp nơi trên thế giới đã tham gia hội thảo. Một trong những nội dung được thảo luận tại hội thảo là số lượng ngà voi được dự trữ ở 4 nước khu vực Nam Phi và vấn đề cấp phép xuất khẩu. Theo thỏa thuận đã ký kết hồi năm ngoái, Botswana, Namibia, Nam Phi and Zimbabwe được phép bán toàn bộ kho hàng ngà voi thuộc sở hữu của chính phủ đã đăng ký cuối năm 2007. Thỏa thuận quy định sau khi chuyển xong đợt hàng này, sẽ không có bất cứ buôn bán nào khác được CITES xem xét trong vòng 9 năm.

Hội thảo cũng tập trung vào vấn đề đang gây nhiều tranh cãi về nuôi nhốt hổ ở châu Á. CITES đã quyết định quần thể hổ nuôi nhốt phải được giới hạn số lượng ở mức hỗ trợ bảo tồn hổ hoang dã và cấm việc nuôi nhốt phục vụ mục đích thương mại. Bên cạnh đó, hội nghị cũng đề cập đến những nỗ lực chống lại nạn buôn bán trái phép da, xương hổ và các bộ phận tương tự ở các loài mèo lớn (như báo) vẫn đang tiếp diễn.

Các mức xuất khẩu gỗ gụ từ Amazon cũng được đưa ra thảo luận. CITES cho biết hệ thống kiểm soát gỗ hiện nay còn thiếu và khuyến cáo những hệ thống mới đang phát triển cần đảm bảo việc khai thác bền vững và buôn bán hợp pháp.

CITES cũng đang chuẩn bị thiết lập một lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia để giải quyết vấn đề buôn lậu sừng tê giác. Quần thể tê giác ở Cộng hòa dân chủ Công-gô, Ấn Độ, Mô-dăm-bich, Nê-pan, Nam Phi và Zimbabwe đang bị săn bắn trộm ráo riết. Các nhà khoa học cảnh báo tê giác có thể sẽ tuyệt chủng ở Công-gô.