ThienNhien.Net – Các cơ sở y tế hoạt động chụp X-quang không quan tâm đến việc kiểm tra, để lọt bức xạ ra ngoài khi sử dụng các thiết bị này là vi phạm quy định quản lý của Nhà nước. Không chỉ riêng các bệnh nhân bị nhiễm xạ (đặc biệt là phụ nữ có thai), ngay cả nhân viên làm việc trong môi trường không an toàn sẽ có nguy cơ mắc một số bệnh "nan y" cao. Song, vì thiếu kinh phí nên nhiều cơ sở y tế ở Hà Tĩnh đã thờ ơ với hoạt động an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân.
Vi phạm nghiêm trọng pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ
Pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ (AT và KSBX) quy định các cơ sở y tế có sử dụng các thiết bị bức xạ thì phải cùng các ngành, các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý ATBX và an ninh các nguồn phóng xạ.
Hiện nay, hai địa phương có số máy X-quang nhiều nhất cả nước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Chỉ tính riêng Hà Nội đã có 173 cơ sở X-quang y tế với 307 máy phát tia X, còn TP.HCM có 289 cơ sở X-quang y tế với khoảng 600 thiết bị X-quang.
Theo Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), hiện nay các chỉ tiêu an toàn bức xạ của phòng chụp X-quang như diện tích phòng máy, tường trát barit, cửa chắn chì, chất lượng máy…ở tất cả các cơ sở từ Trung Ương đến địa phương đều không đạt yêu cầu. Có khoảng 31%-75% các cơ sở phòng chụp và thiết bị phòng hộ cá nhân chưa bảo đảm theo quy định. Và có khoảng 53%-70% các cửa ra vào, cửa sổ phòng chụp X-quang chưa có các biện pháp chắn tia X. Nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Hà Tĩnh cũng không nằm ngoài số đó.
Tại Hà Tĩnh, báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ cho thấy nhiều cơ sở y tế trên địa bàn còn chưa ý thức được trách nhiệm của mình, chưa hoàn thiện các hồ sơ thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động, trang thiết bị kỹ thuật, bảo hộ còn sơ sài. Cụ thể về hồ sơ cấp giấy phép trong lĩnh vực X-quang y tế thì hiện mới chỉ có 16 cơ sở là được cấp giấy phép, trong khi 12 cơ sở là chưa xin phép hoặc đang chờ được cấp giấy phép.
Tuy nhiên, có đến 10 cơ sở chưa thực hiện việc kiểm xạ môi trường xung quanh như phòng khám Hữu Nghị, phòng khám Thành Sen, phòng khám Đa Khoa nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông; Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm y tế các huyện như Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, Thạch Hà, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh… Việc các cơ sở này chưa kiểm tra bức xạ lọt ra ngoài rõ ràng là vi phạm pháp lệnh về quản lý Nhà nước.
Kết quả kiểm tra tại Hà Tĩnh cũng cho biết việc khám sức khoẻ định kỳ cho nhân viên chụp chiếu xạ tại các cơ sở chưa được quan tâm. Mặt khác, rất nhiều cơ sở y tế sử dụng nhân viên chưa có chứng chỉ đào tạo. Có đến gần 50% số nhân viên được hỏi chưa có chứng chỉ đào tạo ATBX, với số còn lại thì chứng chỉ cũng đã hết hiệu lực từ lâu.
Mức độ xạ được đo tại một số vị trí nhạy cảm như cửa chính, giữa phòng chụp và buồng điều khiển phòng chụp X-quang của các cơ sở y tế như Bệnh viện Lao và Phổi, bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế các huyện như Vũ Quang, Hương Sơn, Kỳ Anh… cao gấp từ 5 – 30 lần giới hạn cho phép (theo tiêu chuẩn Việt Nam TCV 6561-1999)…
Biết “chết” nhưng vẫn thờ ơ
Theo quy định, mỗi năm các cơ sở y tế phải hiệu chuẩn các thiết bị bức xạ một lần; định kỳ kiểm tra môi trường bức xạ và sức khoẻ cho nhân viên. Ngoài ra, nhân viên của họ cũng cần phải được đào tạo, cấp chứng chỉ và đổi chứng chỉ 3 năm một lần. Tuy nhiên nhìn chung các quy định trên đang bị các cơ sở y tế”bỏ ngoài tai” .
|
Một cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh cho hay, không phải lãnh đạo cơ sở y tế không biết điều đó mà bởi họ lực bất tòng tâm vì thiếu kinh phí. Vậy nên nhiều thiết bị bức xạ ở các Trung tâm y tế cấp huyện “xuống cấp” nhưng vẫn phải “nhắm mắt” sử dụng vì không có tiền để bảo dưỡng hay đổi mới.
“Theo tính toán thì để tránh cho liều xạ trong phòng không bị phát ra thì các thiết bị phải được hiệu chuẩn, phòng phải được bọc chì để ngăn tia nhưng trang bị một phòng như thế cũng phải mất hàng trăm triệu đồng. Trong khi kinh phí hàng năm được “rót về” thì eo hẹp”, một vị lãnh đạo y tế cấp huyện than thở.
Thông thường khi nói đến ảnh hưởng của bức xạ lên cơ thể con người các chuyên gia trong lĩnh vực này thường chú ý đến liều mà nạn nhân hấp thụ. Nếu nạn nhân bị chiếu một liều lớn hơn hoặc bằng 1.000mSv thì chắc chắn 100% các trường hợp đều phải bị tổn thương, còn nếu dưới mức liều nói trên thì các hiệu ứng do bức xạ gây ra chỉ mang tính ngẫu nhiên. Chính vì thế mới có hiện tượng, ở thời điểm bị chiếu, sức khỏe của nạn nhân vẫn bình thường, tuy nhiên vài tháng, vài năm hoặc có khi là vài chục năm sau đó mới xuất hiện những triệu chứng rõ rệt. Và cũng có hiện tượng, nạn nhân bị chiếu lại không bị ảnh hưởng gì nhưng con cháu đời sau của họ lại chịu hậu quả.
Không chỉ riêng bệnh nhân, ngay cả những nhân viên làm việc lâu dài trong lĩnh vực này hẳn khó tránh khỏi những ảnh hưởng của bức xạ đối với sức khoẻ.
Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận mới đây nhất của Hà Tĩnh là việc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức cuộc Hội thảo về hoạt động AT và KSBX, hạt nhân. Hội thảo đã tập hợp được các ý kiến chuyên gia và các nhà quản lý nhằm đẩy mạnh hoạt động kiểm soát cũng như đưa ra các biện pháp giúp đỡ cơ sở y tế giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện Pháp lệnh AT và KSBX.