An ninh lương thực hay bảo tồn?

ThienNhien.Net – Nền nông nghiệp thế giới đang đứng trước những khó khăn lớn: vừa phải cung cấp lương thực cho một thế giới mà dân số tăng nhanh từng ngày, vừa cần bảo tồn tính đa dạng sinh học và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày một suy thoái. Làm sao để hiểu được khủng hoảng này và việc giá lương thực tăng nhanh ở nhiều nước chính là mục đích xuất bản ẩn phẩm “Các hệ sinh thái nông nghiệp: Thực tế và Xu hướng” do Hội đồng doanh nghiệp thế giới về phát triển bền vững (WBCSB) và Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) phối hợp ấn hành.

Báo cáo đã tổng hợp hiện trạng đa dạng sinh học, các dịch vụ hệ sinh thái, các yếu tố nông nghiệp như khí hậu, đất đai, dinh dưỡng…, phân tích những thách thức của nền nông nghiệp hiện nay và cho biết những nghịch lý còn tồn tại như:

• Nông nghiệp tạo ra nhiều công việc nhất trên toàn cầu …nhưng phần đông cư dân các nước đang phát triển lại không có đủ tài nguyên và sự hỗ trợ để cải thiện sinh kế hay năng suất sản xuất.

• Tình hình dinh dưỡng trên thế giới đã được cải thiện từ những năm 1960 nhưng các nước đang phát triển thì vẫn chưa đạt tới mức cần thiết.

• Chúng ta đang sản xuất được nhiều lương thực hơn với lượng đất đai ít hơn, còn nhu cầu thì tiếp tục tăng, tạo thêm nhiều áp lực với các dịch vụ hệ sinh thái.

• Đã có những công nghệ làm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên lượng phát thải do nông nghiệp vẫn chiếm tới 14% tổng lượng phát thải toàn cầu.

• 60% sản xuất lương thực có được nhờ nông nghiệp được tưới tiêu đầy đủ, nhưng kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của ngành.

• Trong 40 năm qua, diện tích đất đai nông nghiệp toàn cầu đã tăng 10%, nhưng diện tích đất nông nghiệp trên đầu người thì
lại giảm. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi mà đất ngày càng bị thu hẹp còn dân số lại gia tăng.

• Trong khi đất đai cho nông nghiệp trên đầu người ngày một giảm, hàng năm vẫn có tới 12 triệu ha bị mất do hoang mạc hóa. 

Theo Chủ tịch WBCSD – Björn Stigson, vận hành cả hệ thống nông nghiệp để đạt được mục tiêu cung cấp lương thực đầy đủ cả về chất và lượng cho tất cả mọi người trong khi vẫn phải bảo vệ môi trường là việc làm mang tính quyết định. Nghĩa là nhất thiết phải có sự hợp tác và điều phối giữa những người có trách nhiệm và liên quan.

Còn Julia Marton-Lefèvre, Tổng giám đốc Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) phát biểu “Bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của chúng phải là mục tiêu chung của các ngành, giới bảo tồn cũng như người tiêu dùng. Điều này không đâu quan trọng hơn trong nền nông nghiệp phụ thuộc trực tiếp vào thiên nhiên. Các thị trường nông nghiệp khó khăn càng khiến cho vấn đề bảo vệ các hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học trở nên cấp thiết hơn”.


* IUCN là mạng lưới môi trường rộng lớn và có uy tín trên toàn cầu, đang góp phần tìm ra những giải pháp thực tế cho những thách thức cấp bách nhất về môi trường và phát triển bằng cách hỗ trợ nghiên cứu, quản lý các dự án thực địa trên toàn thế giới, và là cầu nối cho các chính phủ, tổ chức phi chính phủ, Liên Hợp Quốc, các (ủy ban) công ước và các công ty để cùng phát triển chính sách, luật và những cách thức làm việc tốt nhất.

* Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển Bền vững (WBCSD) là hiệp hội toàn cầu gồm hơn 200 công ty, hoạt động chuyên về thương mại và phát triển bền vững. WBCSD cung cấp một hành lang cho các công ty để tìm hiểu phát triển bền vững, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và những cách thức hoạt động hiệu quả, tán thành quan điểm doanh nghiệp về những vấn đề này trên nhiều diễn đàn, làm việc với các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và lien chính phủ.