UBND huyện Mang Yang (Gia Lai) vừa triển khai dự án giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng trong huyện, quản lý 3.000 ha rừng. Mô hình mới giao rừng cho cộng đồng làng và quản lý theo nhóm hộ này được xem là "vũ khí" quan trọng để giúp giảm bớt tình trạng bất cân xứng, khi người dân giàu lên rừng lại nghèo đi.
Đất rừng được giao cho các cộng đồng làng tại 3 xã Đak Trôi, Đê Ar và Kon Chiêng. Tùy theo đặc tính sinh thái của từng khu rừng, dự án đã xây dựng phương án hỗ trợ cho bà con về giống cây trồng, vật nuôi… phát triển dưới tán rừng để được hưởng lợi trong quá trình làm giàu vốn rừng. Phương thức giao khoán này phù hợp với nguyện vọng của bà con trong vùng.
Gọi mô hình này là “vũ khí” bảo vệ rừng bởi giờ đây, người chủ rừng không phải sống tiền Nhà nước giao khoán, không chỉ bằng khai thác rừng, mà còn bằng phát triển rừng, bảo vệ rừng để hưởng lợi từ sản phẩm tận dụng của rừng. Cuộc sống của đồng bào được khá giả lên khi rừng nhiều thêm và tươi tốt.
Ngoài ra, dự án còn giúp các nhóm hộ nâng cao kiến thức, chủ động làm giàu vốn rừng trên diện tích cộng đồng quản lý như xóa mù chữ, tập huấn kỹ thuật, xây dựng sổ tay quản lý rừng… Ở đây, giao rừng cho làng chính là giao tư liệu sản xuất, tạo điều kiện kinh tế để nhân dân sống bằng nghề rừng.
Cách giao rừng này sở dĩ được xem là khả thi bởi nó đã tạo ra được mối liên kết cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước với làng nhận rừng, giữa làng với người dân được giao rừng. Rừng được giao cho chủ thực sự.
Mô hình khoán rừng mới này đã hạn chế được tình trạng đa số chủ hộ nhận khoán rừng nhưng không trực tiếp trồng, chăm sóc rừng, rừng bị chặt phá mà chủ rừng không hay biết. Trong khi rừng đang mang lại nguồn lợi lớn, nếu không có “vũ khí” bảo vệ rừng, chống lại sự xâm hại của lâm tặc, thì không chỉ rừng bị tàn phá mà người dân sống trong cộng đồng rừng đó cũng dần bị tha hóa.
Tuy nhiên, cộng đồng dân cư huyện Mang Yang không nên xem đây là công cụ giữ rừng “toàn mỹ”, bởi người dân giữ rừng giờ đây vẫn đang đối mặt với các thách từ lâm tặc, thiên tai, thói quen khai thác rừng một cách tùy tiện… Đây nên xem là một cơ hội để cơ quan chức năng và địa phương xây dựng và củng cố cam kết với cộng đồng làng, với từng hộ được giao rừng. Dựa vào cam kết này, người dân cũng có những đòi hỏi để những người có trách nhiệm thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Dự án chỉ bền vững khi cam kết này được tôn trọng, điều đó sẽ mang lại lợi ích cho rừng và cả người dân nơi ấy.